Quyết tâm chống tham nhũng của Việt Nam thể hiện tính minh bạch
Chuyên gia Campuchia đánh giá quyết tâm cao trong nỗ lực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là minh chứng trước cộng đồng quốc tế về tính minh bạch, thượng tôn pháp luật.
Trang chủ của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) vừa đăng bài viết của Thạc sỹ Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia (RAC), có tiêu đề “Chiến dịch phòng, chống tham nhũng và cơ hội đầu tư nước ngoài ở Việt Nam”, trong đó đề cao quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng gần một thập niên qua.
Điểm lại quá trình đấu tranh xử lý tham nhũng theo phương châm “không có vùng cấm” và những kết quả đạt được của Việt Nam, tác giả bài viết đánh giá quyết tâm cao trong nỗ lực đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng của Việt Nam là minh chứng trước cộng đồng quốc tế về tính minh bạch, thượng tôn pháp luật, nguồn lực dồi dào, hệ thống quản trị và môi trường kinh doanh tốt đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bài viết, chuyên gia Uch Leang nhấn mạnh chiến dịch phòng, chống tham nhũng trên diện rộng và trên phạm vi cả nước ở Việt Nam đang có những bước tiến vững chãi và mạnh mẽ. Chiến dịch phòng, chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam triển khai quyết liệt kể từ khi Việt Nam ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng vào ngày 9/12/2003. Vấn nạn tham nhũng được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là "giặc nội xâm”, là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia lưu ý bước ngoặt lớn nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam bắt đầu từ việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vào tháng 2/2013 dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng với quyết tâm cao độ và ý chí kiên định trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Theo bài viết, Việt Nam đã đạt được những thành quả tích cực đáng ghi nhận về phòng, chống tham nhũng. Những thành quả tích cực đó nhận được sự ủng hộ của nhân dân, cán bộ, đảng viên trong cả nước, đồng thời được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Tác giả bài viết dẫn số liệu từ báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và báo chí Việt Nam, cho biết "10 năm qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có trên 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.
Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 170 quan chức cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương và hơn 50 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương và 20 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Tác giả bài viết cho rằng nỗ lực phòng, chống tham nhũng trên chính là sự chuẩn bị của Việt Nam để chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, bởi qua đó Việt Nam sẽ tạo dựng được môi trường kinh doanh không còn vấn nạn nhũng nhiễu./.