Quyết tâm đổi mới tư duy trong xây dựng luật

Đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới nhằm tạo đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ 'điểm nghẽn', huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Chiều 22/8/2024, gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Hiệp hội thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Chiều 22/8/2024, gặp mặt Đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Hiệp hội thực hiện tốt chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp, là cầu nối hiệu quả, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp.

Xây dựng pháp luật phải kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh. Theo đó, tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư...

Bên cạnh đó, một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đặt ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương sáu, khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm... Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật (XDPL), bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác XDPL, Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình XDPL nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XV nêu rõ: việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”. Tăng cường thu hút chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ hoạt động thực tiễn có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn sâu, công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc tham gia XDPL.

Thời gian qua, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Hệ thống pháp luật đã được hoàn thiện một bước cơ bản và tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; vai trò của pháp luật và việc thực thi pháp luật được chú trọng trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng lên...

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác XDPL vẫn còn hạn chế, bất cập. Điển hình là hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao. Quy định bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung... Những hạn chế, bất cập trên đã phần nào làm nản lòng các DN; gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân. Nhưng quan trọng hơn là làm cho các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ bị méo mó, từ đó nảy sinh tệ tham nhũng, tiêu cực...

Quyết tâm tháo gỡ những bất cập này trong thời gian tới, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định các nhóm vấn đề lớn để tiếp tục hoàn thiện, trong đó thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển. “Về đột phá chiến lược, thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân...” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu trong phiên bế mạc Hội nghị. Đối với một số vấn đề mới từ thực tiễn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết, cần tiếp tục khẩn trương tổng kết, làm rõ để xác định trong Văn kiện, nhất là phải “đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật, cơ quan làm luật”.

Trước đó, tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt, diễn ra vào đầu tháng 8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ, đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” để tạo cơ chế thuận lợi cho DN, doanh nhân có điều kiện phát triển, đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sản xuất hiệu quả, tạo không khí phấn khởi đối với Nhân dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển

Ngày 4/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.Chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “nút thắt” về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Ngày 4/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.Chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, “nút thắt” về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, hội nghị bàn về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Đã rất nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành trong quá trình hoàn thiện các dự án luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, DN. Gần đây, ngày 8/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 603/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL.

Chủ trì Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL (ngày 28/9/2024), Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh yêu cầu: xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật phải theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí tuân thủ cho người dân, DN, xóa bỏ cơ chế “xin - cho” và môi trường phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt; với tư duy thông thoáng, đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài cho sự phát triển, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tránh lợi ích cục bộ.

Thủ tướng lưu ý, quá trình rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc của pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn. Trong xây dựng luật có nội dung cần quy định chi tiết, cụ thể, nhưng cũng có nội dung cần quy định khái quát, nguyên tắc, nhất là những vấn đề còn biến động nhiều thì giao Chính phủ quy định bảo đảm linh hoạt, chính quyền từ Trung ương đến địa phương thực hiện căn cứ thực tiễn. Những vấn đề, dự án, công việc đã giao địa phương làm tốt thì cần phải đánh giá, khái quát, luật hóa.

“Việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản QPPL nói riêng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nói chung phải bảo đảm tiến độ, thời gian, nâng cao chất lượng; trong quá trình xây dựng pháp luật phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của QH” - Thủ tướng nêu rõ, đồng thời yêu cầu, cùng với xây dựng luật, cần khẩn trương xây dựng ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện để tổ chức thực thi các luật kịp thời, hiệu quả.

Trên tinh thần này, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 103/CĐ-TTg (ngày 7/10) về hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, cần kiến tạo môi trường thuận lợi giúp DN phát triển, trong đó có DN nhỏ và vừa để loại hình DN này có khả năng vươn lên và phát triển. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm thực thi của các cơ quan, đơn vị; cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép không cần thiết, không phù hợp, làm tăng chi phí tuân thủ. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các DN phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho DN theo đúng quy định pháp luật.

Thực tiễn cuộc sống luôn thay đổi và phát triển. Bởi vậy, không có quy định luật pháp nào có thể phủ hết ngay được các góc cạnh của cuộc sống đa chiều. Do đó, lập pháp phải luôn đi song song với cuộc sống; công tác xây dựng pháp luật phải tiếp tục đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan; không cầu toàn, không nóng vội; tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của DN, người dân là trên hết, trước hết.

Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quyet-tam-doi-moi-tu-duy-trong-xay-dung-luat-post527998.html