Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU ở Vĩnh Long
Giữa những ngày hè nắng cháy, từng con tàu đánh cá lại rẽ sóng vươn khơi từ các cảng biển của tỉnh Vĩnh Long. Nhưng khác với những năm trước, mỗi chuyến ra khơi hôm nay không đơn thuần chỉ là đánh bắt, mà còn mang theo cả trách nhiệm trong cuộc chiến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Không chỉ ngư dân, các cấp, ngành, lực lượng chức năng, trong đó có những người lính Biên phòng đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm gỡ bỏ 'thẻ vàng' IUU, mang lại sinh kế cho hàng chục nghìn ngư dân vùng ven biển.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Vĩnh Long đến tận từng chiếc tàu đánh cá để phát tờ rơi tuyên truyền về chống khai thác IUU. Ảnh: Hồng Lam
Siết chặt từ cảng đến khơi xa
Từ năm 2017, khi Liên minh châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với thủy sản Việt Nam vì vi phạm IUU, ngành thủy sản cả nước bước vào giai đoạn khẩn trương cải tổ. Với tỉnh ven biển như Vĩnh Long, nơi có hơn 3.000 tàu cá hoạt động đánh bắt xa bờ, áp lực càng trở nên nặng nề.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, hiện, toàn tỉnh có gần 2.500 phương tiện khai thác thủy sản xa bở (tỉnh Trà Vinh cũ có 271 tàu dài từ 15m trở lên; tỉnh Bến Tre cũ có 2.012 tàu khai thác xa bờ.) Đây là nhóm tàu bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS), ghi nhật ký khai thác và không được xâm phạm vùng biển nước ngoài. Một cán bộ thuộc Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Trước đây, trên địa bàn thuộc tỉnh Trà Vinh và Bến Tre cũ, nay là tỉnh Vĩnh Long mới từng có tình trạng một số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực gỡ "thẻ vàng" của cả nước. Chính vì vậy, tỉnh Vĩnh Long đã xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị”.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá Định An, không khí làm việc những ngày này khá khẩn trương. Các cán bộ của Ban Quản lý cảng phối hợp với lực lượng BĐBP, Sở Nông nghiệp và Môi trường thường xuyên kiểm tra hồ sơ, nhật ký khai thác, nhật ký hành trình tàu cá và giám sát sản lượng thủy sản cập cảng. Trung úy Phạm Hồng Sơn, Đội trưởng Đội Kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Long Vĩnh, BĐBP tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: "Nhằm đảm bảo việc giám sát, Trạm Kiểm soát Biên phòng cảng Định An, Đồn Biên phòng Long Vĩnh đã tổ chức trực ban 24/24 giờ, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, mỗi chuyến biển, chúng tôi đều kiểm tra kỹ giấy tờ, đối chiếu thiết bị VMS, phỏng vấn ngư dân. Nếu có dấu hiệu nghi vấn về hành vi đánh bắt trái phép hoặc xâm phạm vùng biển nước ngoài, sẽ lập biên bản xử lý ngay. Không chỉ kiểm tra tại cảng, việc giám sát trên biển cũng được lực lượng chức năng tăng cường. BĐBP, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng khác tổ chức tuần tra liên tục trên các vùng biển giáp ranh. Các tàu có thiết bị VMS bị ngắt tín hiệu, hoặc không có tín hiệu trong thời gian dài sẽ bị triệu tập để xác minh". Chỉ tính riêng từ năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt hành chính 44 vụ vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, chủ yếu liên quan đến việc không ghi nhật ký khai thác, không duy trì hoạt động thiết bị VMS và không cập cảng đúng quy định. Tổng số tiền phạt hơn 576 triệu đồng.
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Long, vẫn còn không ít khó khăn. Tình trạng ngư dân cố tình tắt thiết bị VMS để tiết kiệm nhiên liệu, hoặc tránh bị phát hiện khi vi phạm vẫn diễn ra rải rác. Việc xử lý vi phạm còn gặp khó do thiếu chứng cứ, hoặc tàu cập cảng ngoài tỉnh. Cơ sở hạ tầng phục vụ giám sát, truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá vẫn còn hạn chế. Nhiều cảng chưa được công nhận là cảng cá chỉ định, chưa có hệ thống cân điện tử, hệ thống camera giám sát. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ số trong giám sát, truy vết nguồn gốc còn mới mẻ với nhiều ngư dân, đòi hỏi thêm thời gian đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật.
Đổi thay từ nhận thức của ngư dân
Nhờ những biện pháp cứng rắn cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chống khai thác IUU, những năm gần đây, nhận thức của ngư dân ở tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Từ chỗ thiếu hiểu biết, thậm chí thờ ơ với các quy định pháp luật, nhiều ngư dân nay đã hiểu rằng, chấp hành nghiêm túc quy định về đánh bắt không chỉ là nghĩa vụ công dân, mà còn là cách bảo vệ sinh kế lâu dài của chính mình. Họ chủ động ghi nhật ký hành trình khai thác, lắp đặt thiết bị VMS, không xâm phạm vùng biển nước ngoài và tích cực tham gia các lớp tập huấn pháp luật do các lực lượng chức năng tổ chức. Sự thay đổi trong nhận thức ấy không chỉ góp phần giúp Việt Nam tiến tới gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC), mà còn tạo nên một cộng đồng ngư dân văn minh, có trách nhiệm với biển cả quê hương.

Các đơn vị BĐBP tổ chức các lớp tập huấn cho các thuyền trưởng, chủ tàu về chống khai thác IUU. Ảnh: Hồng Lam
Gặp ông Trần Công Đức, Tổ trưởng Tổ hội nghề cá tại cảng cá Định An, ông cho biết, trước đây, ngư dân chủ yếu khai thác theo phương pháp truyền thống, nhưng giờ phương tiện không đáp ứng được yêu cầu khai thác xa bờ. Nguồn thủy sản cạn kiệt, muốn chuyển đổi nghề thì lại không có vốn và lo ngại hiệu quả kinh tế. Cũng chung tâm trạng với Tổ trưởng Tổ hội nghề cá, ngư dân Nguyễn Văn Nhi, vừa trở về từ chuyến săn mực chia sẻ: “Trước đây, tụi tôi chỉ quen đánh bắt rồi bán cá. Còn mấy cái thủ tục như ghi nhật ký, kiểm tra hành trình thì rối lắm. Nhưng từ khi được cán bộ BĐBP tuyên truyền, giải thích kỹ về việc chống khai thác IUU, mình mới thấy quan trọng”.
Không chỉ ông Đức, ông Nhi, mà nhiều ngư dân ở xã Đại An và phường Trường Long Hòa... cũng đã thay đổi tư duy trong khai thác biển. Họ hiểu rằng, nếu không tuân thủ quy định, không chỉ bản thân bị phạt, mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh thủy sản Việt Nam, tới con cháu sau này. Chị Trần Thị Dung là vợ một chủ tàu trên địa bàn phường Trường Long Hòa cho biết: “Giờ mỗi lần tàu ra khơi, tụi tôi đều nhắc chồng con phải bật máy VMS, ghi chép đầy đủ. Làm vậy để tránh bị phạt mà cũng để giữ lấy nghề”. Trúoc khi rời cảng cá Định An, chúng tôi còn được ông Trần Công Đức thay mặt cho bà con ngư dân các địa bàn ven biển tỉnh Vĩnh Long cam kết chắc như đinh đóng cột: “Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ không để phát sinh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đó là con đường duy nhất để sớm gỡ bỏ "thẻ vàng", hướng đến nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững”.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hôm nay không chỉ là bảo vệ sinh kế cho hàng vạn ngư dân, mà còn là bảo vệ uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế. Cuộc chiến chống khai thác IUU ở Vĩnh Long, nơi những con tàu vẫn rẽ sóng ra khơi mỗi sớm là minh chứng rõ nét cho quyết tâm ấy. Và khi cả cộng đồng cùng hành động, ngày “thẻ xanh” trở lại sẽ không còn xa.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quyet-tam-go-the-vang-iuu-o-vinh-long-post491912.html