Vì sao nhiều ngư dân trẻ không còn mặn mà bám biển?

Trước những khó khăn và rủi ro ngày càng gia tăng của nghề biển, nhiều ngư dân trẻ ở Nghệ An đang chuyển hướng sang những ngành nghề khác ổn định hơn. Chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, tái cơ cấu ngành nghề theo hướng bền vững, giảm dần tỷ trọng khai thác xa bờ.

Nhiều con tàu không dám ra khơi bởi chi phí quá cao

Nhiều con tàu không dám ra khơi bởi chi phí quá cao

Từng gắn liền với cơm áo và truyền thống bao đời này, nghề biển ở Nghệ An nay đang đứng trước bước ngoặt. Không chỉ đối mặt với rủi ro thiên tai, chi phí xăng dầu lên cao, sản lượng giảm sút nghiêm trọng, nghề biển còn mất dần sức hút đối với thế hệ trẻ. Trong khi những con tàu nằm bờ thì thanh niên vùng biển lại rẽ sang những hướng đi mới, học nghề, làm công nhân, xuất khẩu lao động với mong muốn có một cuộc sống ổn định hơn.

Xu hướng “thoát ly” biển

Ở xã Quỳnh Lưu (trước sáp nhập là xã Quỳnh Long), nơi từng có đội tàu cá hùng hậu bậc nhất tỉnh, thì giờ đây không khí ra biển khơi ngày càng lặng lẽ. Thay vì nối nghiệp cha ông, nhiều thanh niên chọn “thoát ly” biển để học tập, làm việc trong khu công nghiệp hay ra nước ngoài mưu sinh. Những con tàu lớn dần nằm bờ, số lượng tàu công suất lớn của xã đã giảm hơn một nửa.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Đại Bắc, bà Vũ Thị Vân tự hào khi cả ba người con đều đang học đại học, cao đẳng. Chồng bà, ông Đào Minh Cầu, từng là ngư dân dạn dày hơn 30 năm, nay cũng từ bỏ biển, chuyển sang làm công nhân tàu vận tải nội địa với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng. “Ngày trước, biển nuôi sống cả nhà, cả làng. Nhưng giờ nó không còn là bến bờ an toàn nữa. Chồng tôi đi làm xa, con cái có điều kiện học hành. Đó là đổi thay đáng mừng”, bà Vân chia sẻ. Thông tin UBND xã Quỳnh Lưu cho biết, từ chỗ có tới 70% lao động gắn bó với biển, nay xã chỉ còn khoảng 40%. “Đó không chỉ là con số, mà là một chuyển biến trong tư duy, người trẻ giờ nghĩ khác hơn, không còn xem nghề biển là lối đi duy nhất”.

Trên boong tàu đang neo đậu tại cảng Lạch Quèn, anh Lê Văn Quân (SN 1990, trú xã An Hòa (nay thuộc xã Quỳnh Hòa) cặm cụi đan nốt tấm lưới cuối cùng, công việc anh làm để giúp chủ tàu trước khi tạm biệt biển khơi, lên đường xuất khẩu lao động lần thứ hai. Từng có một năm làm việc ở Hàn Quốc, anh Quân trở về quê vào năm 2022 và gắn bó lại với nghề đi biển.

Thế nhưng, những chuyến khơi xa ngày càng ít ỏi cá tôm, thu nhập bấp bênh khiến anh phải đưa ra quyết định dứt áo ra đi thêm một lần nữa. “Đi biển cả năm mà chỉ được vài chục triệu, không đủ trang trải cuộc sống. Nghề vất vả mà không ổn định. Tôi đành chọn xuất ngoại, hy vọng có cuộc sống khá hơn”, anh Quân trải lòng. Cũng trong tâm thế rời biển, anh Nguyễn Xuân Hội (SN 1995), trú cùng xã từng nghĩ mình sẽ sống chết với nghề như bao thế hệ trong gia đình.

Anh Hội theo cha ra khơi từ khi mới học hết cấp 3, quen với từng luồng cá, từng con nước. Nhưng sau nhiều năm thu nhập không đủ sống, bạn bè lần lượt bỏ tàu lên bờ, anh cũng quyết định rẽ hướng. “Nghĩ cũng tội chủ tàu, nhưng không thể gắn bó với một nghề mà làm mãi vẫn còn khó khăn về tài chính. Còn trẻ thì tranh thủ đi làm xa, có ít vốn rồi quay về cũng chưa muộn”, anh Hội chia sẻ.

Sự thoái trào lao động trẻ trong nghề đi biển đang là nỗi lo của nhiều chủ tàu tại xã Quỳnh Hòa. Theo anh T., một chủ tàu lâu năm cho biết vài năm trở lại đây, việc tuyển người đi biển ngày càng chật vật. Tàu của anh cần từ 12 đến 14 lao động, nhưng hiện chỉ gom được 8 đến 10 người. Trong số đó, phần lớn là lao động phổ thông, không quen việc, được tuyển vội từ các vùng lân cận. Người có kinh nghiệm thực sự chỉ còn lác đác vài người.

Nếu như trước kia, các chủ tàu có thể lựa chọn người khỏe mạnh, chịu khó, thì nay chỉ cần ai chịu đi biển là chấp nhận. Khó khăn đến mức nhiều tàu phải thay đổi cách trả công, không còn chia theo sản lượng sau chuyến như trước, mà phải trả trước một phần tiền công, thậm chí đi vay để giữ chân bạn thuyền. “Không trả trước thì chẳng ai chịu ra khơi. Có chuyến đi mười ngày mà thu về được vài chục triệu, trừ dầu máy, đá lạnh, tiền ăn, rồi công thợ… nhiều khi lỗ là chắc chắn”, anh T. nói.

Lối thoát cho ngư dân trẻ

Một trong những điểm sáng trong chuyển đổi sinh kế là xã Ngọc Bích (trước sáp nhập là xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu), vùng từng được xem là trọng điểm nghề cá của tỉnh. Những năm gần đây, địa phương này đã mạnh dạn mở rộng các ngành nghề ngoài biển như thương mại, chế biến hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện toàn xã có hơn 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó hơn 100 cơ sở chuyên cung ứng dịch vụ phục vụ nghề biển.

Theo UBND xã Ngọc Bích, địa phương đang triển khai song song hai hướng chuyển đổi là đưa lao động trẻ đi xuất khẩu hoặc làm việc trong các doanh nghiệp với thu nhập ổn định từ 30 – 40 triệu đồng/tháng; đồng thời vận động ngư dân từ bỏ dần các nghề đánh bắt tận diệt như giã kéo, chuyển sang nghề thân thiện với môi trường như lưới vây, rê, câu…

Nhờ định hướng này, số lượng tàu cá toàn xã đã giảm từ 456 xuống còn 232 chiếc. Mục tiêu đến năm 2030, xã chỉ còn khoảng 100 tàu cá, góp phần giảm áp lực lên ngư trường và đảm bảo sinh kế bền vững hơn cho người dân. Không chỉ riêng Ngọc Bích, quá trình chuyển đổi nghề cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương ven biển khác. Tính đến nay, đã có hơn 20% lao động biển tại Nghệ An “lên bờ”, chuyển sang làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp hoặc đi xuất khẩu lao động.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển thủy sản bền vững, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 914 (tháng 11.2023) để thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và Quyết định 208 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đến hết năm 2025, tỉnh sẽ cắt giảm 184 tàu cá (gồm 40 tàu vùng khơi và 144 tàu vùng ven bờ, lộng), còn lại khoảng 3.209 tàu.

Đến năm 2030, tỉnh tiếp tục giảm số tàu hoạt động và tổ chức đào tạo nghề phù hợp cho khoảng 3.000 ngư dân. Các giải pháp được tỉnh triển khai đồng bộ, gồm tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản từ tỉnh đến xã; kiểm soát sản lượng khai thác, xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá gắn với chuyển đổi số; siết chặt phối hợp giữa lực lượng kiểm ngư, biên phòng, công an và chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp pháp (IUU).

Tỉnh cũng ưu tiên các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, đầu tư trang thiết bị hiện đại, phát triển các mô hình nuôi biển, chế biến và dịch vụ hậu cần. Nguồn kinh phí thực hiện được huy động từ ngân sách nhà nước, chương trình đầu tư công và xã hội hóa, đảm bảo triển khai đến năm 2030. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là với những hộ ngư dân nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh.

PHẠM NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/vi-sao-nhieu-ngu-dan-tre-khong-con-man-ma-bam-bien-149924.html