Quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030
Việt Nam quyết tâm kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 – đó là một trong những chủ đề của Tháng hành động quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 và cũng là khẳng định của PGS. TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
PV: Xin bà cho biết tình hình dịch HIV/AIDS và xu hướng dịch HIV ở Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, hiện có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS. 9 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong.
Hình thái lây nhiễm HIV trong giai đoạn 2010 đến nay có sự thay đổi rõ rệt. Trong số những người nhiễm HIV mới phát hiện, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường máu giảm từ 47,5% năm 2010 xuống còn 6,4% năm 2023; tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục trở thành đường lây chính khi tăng từ 47,5% năm 2010 lên 84,4% năm 2022 và 75,1% vào năm 2023. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (Cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới) có xu hướng tăng rõ rệt trong thời gian qua.
Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật về phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2023?
- Ở thời điểm hiện tại, việc xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Cùng với đó là việc tiếp tục duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2023, chương trình Methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, tính đến 20/10/2023 có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc MMT mang về nhà; đã có 219 cơ sở PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV ) triển khai cung cấp dịch vụ PrEP bao gồm cả nhà nước và tư nhân tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 60.020 khách hàng, đạt 109% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng vào năm 2023; số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 76,5%; 80,6% số khách hàng PrEP là MSM.
Về công tác điều trị HIV/AIDS, hiện có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV bảo hiểm y tế (BHYT). Hiện cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua BHYT, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.
Về các mục tiêu 95-95-95 trong phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam, trong đó 88% người biết tình trạng nhiễm HIV, 80% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV, 98.4% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Theo bà, những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS là gì?
- Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm MSM đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
Một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và chưa phê duyệt định mức chi chương trình mục tiêu y tế.
Về định hướng những năm tiếp theo, Việt Nam hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Năm 2023, Việt Nam chọn chủ đề Tháng hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Chủ đề này cũng muốn khẳng định lại quyết tâm của Việt Nam sẽ kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.