Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương
Bắt đầu bén duyên với nghề nuôi ếch thương phẩm từ năm 2011, anh Lương Chí Thanh (bản Là 5, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) là một trong những tấm gương thanh niên dám nghĩ dám làm, vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế cho gia đình, làm giàu cho quê hương.
Vượt lên thất bại để đi tới thành công
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Lương Chí Thanh (bản Là 5, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) trong một buổi chiều muộn, trang trại nhà anh Thanh nằm tại một khu riêng biệt cách trung tâm huyện khoảng chừng 2 km. Ngôi nhà của vợ chồng anh Thanh là ngôi nhà cấp 4 được dựng bằng gỗ nằm ẩn sâu trong một khu đồi thấp. Vừa gặp anh, tôi đã thấy được sự nhanh nhẹn, hoạt bát, đam mê, nhiệt huyết với nghề. Chia sẻ về cái duyên giúp anh gắn bó với nghề nuôi ếch, anh Thanh cho biết: “Cũng như bao gia đình khác, trước kia bố mẹ không có điều kiện cho mình đi học đại học nên sau khi học hết cấp 3, mình về nhà làm kinh tế để phụ giúp gia đình.
Trong quá trình tìm hiểu thị trường, mình nhận thấy loài ếch là một trong những loài có giá trị dinh dưỡng và giá thành khá cao, trong khi đó, tỷ lệ ếch ngoài tự nhiên cũng không còn nhiều. Với mong muốn tận dụng quỹ đất vốn có tại địa phương, năm 2011, hai vợ chồng quyết định dồn hết số vốn tích cóp để về miền xuôi mua giống và tiến hành nuôi ếch thương phẩm với mong ước sẽ phát triển kinh tế nhờ con vật này.”
Có lẽ với chàng trai sinh năm 1985, quyết định dồn tất cả số vốn gom góp để đầu tư vào một con giống là quyết định khá liều lĩnh và táo bạo. Ban đầu khi mới bắt đầu triển khai mô hình nuôi ếch thương phẩm, anh Thanh gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là khó khăn về con giống, sau đó là tới các yếu tố khác như môi trường sống, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ… Để giải quyết những khó khăn này, chàng trai trẻ đã tìm hiểu rất nhiều các trang mạng, trực tiếp về các trang trại nuôi ếch ở miền xuôi như Thái Bình để học tập kinh nghiệm nuôi ếch của người dân địa phương.
Theo anh Thanh, ở miền xuôi có mô hình nuôi ếch Thái khá thành công, sau khi được người dân hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc anh cũng đầu tư mua khá nhiều con giống, tuy nhiên, khi về đến nhà do không hợp môi trường và khí hậu nên số ếch mà anh mua về làm giống đã chết đi khá nhiều. Ban đầu do chưa hiểu hết đặc tính của ếch nên hết lần này đến lần khác anh Thanh thất bại, có khi phải đi làm thuê hết nghề này đến nghề khác để có tiền trang trải học hành cho con và bám trụ lấy nghề. Thời điểm đó, vợ anh sốc nặng vì tưởng rằng chồng chỉ nuôi cho vui, bán ra cũng được chút lãi, tuy nhiên khi thấy chồng đầu tư nhiều chị cũng chán nản, muốn chuyển hướng sang trồng lúa, tuy nhiên thấy chồng tâm huyết với nghề nên chị cũng ủng hộ.
Trời không phụ lòng người, sau liên tiếp những thất bại, anh Thanh đã lai tạo thành công giữa giống ếch Thái của miền xuôi và giống ếch đồng của địa phương. Những tưởng mọi vấn đề về giống đã được giải quyết, thế nhưng loại ếch Thái bố mẹ sau khi sinh sản được 1 tới 2 vụ thì không thích nghi được với môi trường nên chết rất nhiều. May mắn là những con giống được lai tạo giữa hai loại ếch này phát triển khá tốt, ròng rã trong nhiều ngày, dù mưa hay nắng, mọi người đều thấy bóng dáng anh Thanh với chiếc xe máy rong ruổi tới các trang trại khác lấy thêm các con ếch đực về thả chung để cho ếch sinh sản giảm tỷ lệ đồng huyết cho ếch.
Theo đó trọng lượng của mỗi con ếch trưởng thành trong trang trại nhà anh Thanh rơi vào khoảng từ 3 – 4 lạng, khi nấu không bị bở, ngon và ngọt. Ưu điểm của loại ếch này là có thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt của miền núi và nuôi được đến tháng 11, lâu hơn so với ếch Thái khoảng 3 tháng. Cùng đó, thời gian nuôi từ ếch giống đến ếch trưởng thành cũng khá nhanh, chỉ mất chừng hơn 2 tháng là gia đình anh có thể xuất một lứa ếch ra ngoài thị trường.
Nghĩ sâu để làm lớn
Ngoài khó khăn về giống, chàng trai trẻ cũng phải đối mặt với nhiều trở ngại như dịch bệnh, thức ăn, thị trường. Thời gian đầu người dân địa phương còn khá lạnh nhạt với ếch nuôi mà chỉ tìm mua ếch tự nhiên vì người tiêu dùng cho rằng chỉ có ếch tự nhiên mới ngon và sạch. Không từ bỏ thị trường tại quê nhà, anh Thanh đến từng nhà hàng mời chào thử nhiệm ếch nuôi của gia đình. Và rồi, sự kiên trì của anh đã được trả công xứng đáng khi hiện tại gia đình anh chính là nguồn cung chủ yếu cho các nhà hàng lớn trên địa bàn huyện Bảo Yên. Để mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình, anh cũng nhờ người quen, bạn bè ở các huyện khác chào hàng giúp mình. Chỉ trong vòng 2 năm, anh đã mở rộng thị trường lên các huyện Sapa, Bắc Hà, Văn Bàn, tới đây là các huyện thuộc tỉnh Lai Châu và Điện Biên.
Thời điểm hiện tại, mỗi tháng gia đình anh Thanh xuất đi khoảng 1 tấn ếch thịt và duy trì từ 8 – 9 vạn ếch giống. Từ bán sản phẩm ếch thịt, anh cũng mày mò, học hỏi mọi người để làm ra sản phẩm ếch sấy. Loại ếch này được anh ướp các gia vị truyền thống của Tây Bắc sau đó đưa vào sấy trong lò không khói, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như độ ngon của sản phẩm. Do nhu cầu của thị trường lớn nên có nhiều thời điểm, ếch sấy hết hàng, nhiều khách đặt phải chờ hàng tháng mới có hàng cung cấp. Nhờ quyết tâm bám trụ với nghề nuôi ếch, mỗi năm gia đình anh Thanh thu về khoảng 90 triệu đồng tiền lãi sau khi đã trừ chi phí.
Không chỉ thành công trong việc tạo ra giống ếch mới được thị trường đón nhận, anh Thanh còn sáng tạo ra mô hình chuỗi liên kết nuôi ếch từ đó đảm bảo nguồn cung ra thị trường và tạo thêm việc làm cho người dân trong xã. Những người tham gia tổ hợp tác này chủ yếu là người dân trong địa bàn xã Xuân Thượng và một vài xã khác của huyện Bảo Yên. Tham gia tổ hợp tác này, tất cả các hộ chăn nuôi đều được anh Thanh hướng dẫn kinh nhiệm, kỹ thuật cũng như cách phòng bệnh và bảo hành con giống, hiện tại anh Thanh đang sở hữu 3 điểm cung cấp con giống cho toàn huyện Bảo Yên.
Cũng theo anh Thanh, việc nuôi ếch đưa lại kinh tế lớn hơn nhiều so với các cây trồng, vật nuôi khác nên rất nhiều hộ gia đình tham gia chuỗi liên kết nuôi ếch của anh. Tham gia chuỗi liên kết trên, các xã viên sẽ được cung cấp con giống và hướng dẫn cách nuôi ếch, khi ếch trưởng thành anh Thanh sẽ tới tận nơi thu mua với giá cao, chỉ chênh lệch một vài giá so với giá bán trên thị trường. Sau một thời gian tham gia hợp tác xã chăn nuôi ếch, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua giống với số lượng lớn và dần mở rộng trang trại nuôi ếch sạch.
Cùng đó, tháng 4/2019 anh Thanh cũng là người đi đầu trong việc khởi sướng thành lập hợp tác xã nông nghiệp Thanh Sơn chăn nuôi ếch, cá truyền thống và trồng rau sạch. Những thành viên tham gia hợp tác xã đều là những người trẻ và có niềm đam mê với nông nghiệp, tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Thanh Sơn đã có 9 thành viên với vốn điều lệ hơn 1 tỷ đồng.
Hiện tại gia đình anh Thanh đang sở hữu mặt hồ có diện tích 5ha để tiến hành mở rộng mô hình nuôi cá truyền thống cũng như ếch thương phẩm. Ngoài chăn nuôi ếch, vợ chồng anh Thanh cũng mạnh dạn thử nhiệm nuôi trồng những con giống mới, tiêu biểu phải kể đến là mô hình nuôi ốc nhồi. Sau 4 tháng thử nhiệm, đến nay ốc nhồi sinh trưởng phát triển mạnh, hứa hẹn đưa lại hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình.
Theo anh Thanh, có được thành công như hiện tại phải kể đến sự giúp đỡ ủng hộ của chính quyền địa phương. Để sản phẩm có hướng phát triển lâu dài và có thể cạnh tranh với những sản phẩm từ các địa phương khác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai đã giúp đỡ anh trong quá trình làm thủ tục hồ sơ để đăng ký nhãn hiệu mỗi xã một sản phẩm và làm chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm ếch để các đại lý phân phối và người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng. Chia sẻ về định hướng trong tương lai, anh Lương Chí Thanh cho biết trong thời gian tới anh sẽ tiếp tục tìm kiếm thêm thị trường, mở rộng diện tích nuôi ếch và đẩy mạnh kế hoạch sản xuất nuôi cá truyền thống, phát triển rau sạch, từ đó phát triển kinh tế gia đình và làm giàu cho quê hương.
Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/quyet-tam-lam-giau-tren-manh-dat-que-huong-96958.html