Quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Bài 2): Chống lãng phí - nhiệm vụ cấp bách

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ 'Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ 'giặc ở trong lòng'. Trong đó, lãng phí là 'một căn bệnh rất nguy hiểm', có thể làm phương hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể. Do đó, phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các hành vi gây lãng phí, nhằm góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

Các hạng mục của Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được kết nối do vướng mắc giải phóng mặt bằng và nhà thầu chưa tập trung thi công. Ảnh: Khôi Nguyên

Các hạng mục của Dự án Phát triển tổng hợp các đô thị động lực - Tiểu dự án đô thị Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được kết nối do vướng mắc giải phóng mặt bằng và nhà thầu chưa tập trung thi công. Ảnh: Khôi Nguyên

Nhìn vào thực trạng

Hồi giữa tháng 12/2024, vụ cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và báo chí. Vụ cưỡng chế này đã khép lại một trong những dự án “treo kinh niên” kéo dài hàng chục năm và tưởng chừng vô phương tháo gỡ.

Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa, nằm trên phố Quang Trung, phường Đông Hương, TP Thanh Hóa. Đây được xem là một trong những khu “đất vàng”, với tổng diện tích lên đến 40.387m2 và được định giá cả trăm tỷ đồng. Năm 2005, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao đất cho Công ty TNHH Tây Đô triển khai dự án. Tuy nhiên, thay vì trở thành một cơ sở giáo dục chất lượng như dự kiến ban đầu, thì ngót 20 năm qua, dự án vẫn “đắp chiếu” với ngổn ngang các công trình còn dang dở. Nguyên nhân là do Công ty TNHH Tây Đô không thực hiện đúng nội dung trong hợp đồng vay tín dụng với Ngân hàng phát triển Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa và bị ngân hàng này khởi kiện yêu cầu trả nợ với số tiền hơn 109 tỷ đồng (năm 2013). Tuy nhiên, sau nhiều năm công ty vẫn không tự nguyện thi hành án.

Trước thực trạng trên, năm 2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa đã thuê đơn vị thẩm định tài sản và tiến hành bán đấu giá khu đất thuộc Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa. Đến tháng 3/2024, tài sản được đấu giá thành công, với số tiền trên 88 tỷ đồng (trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư thương mại, dịch vụ tổng hợp Phúc Thịnh). Ngày 28/5/2024, Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-CTHADS của Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh về việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá. Ngày 16/12/2024, việc cưỡng chế đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Việc cưỡng chế Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa đã khép lại một trong những vụ án có giá trị tài sản lớn, tính chất rất phức tạp và việc thi hành án kéo dài. Đồng thời cũng khép lại giai đoạn “đắp chiếu” vô cùng lãng phí của một khu đất có giá trị cao, nằm ngay trung tâm TP Thanh Hóa.

Song, Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa “treo” suốt hàng chục năm, không phải là dự án duy nhất và cũng chưa phải dự án cuối cùng cần xử lý. Thực tế trên địa bàn tỉnh cho thấy, vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, nên chưa được đưa vào khai thác, gây lãng phí tài nguyên đất đai và các nguồn lực khác. Trong tổng số 71 dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh năm 2024, hiện mới có một số dự án cơ bản hoàn thành như Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Nhà máy sản xuất lốp ô tô Radial; Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 5 trung tâm y tế tuyến huyện; đầu tư xây dựng mới và mua sắm trang thiết bị cho 70 trạm y tế tuyến xã; đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh... Còn lại là các dự án đang triển khai hoặc đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Cũng trong số 71 dự án, hiện còn lại 36 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Nguyên nhân được cho là công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án chưa được chủ đầu tư quan tâm đúng mức và thiếu tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, dẫn đến chưa có đủ hồ sơ, thủ tục để giao vốn hoặc bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ. Điển hình như các dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và Quảng Xương - Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), theo hình thức PPP (Hợp đồng BOT); dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc; dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường, xã Hà Long, huyện Hà Trung (giai đoạn 2)... Hoặc các dự án lĩnh vực văn hóa (chẳng hạn như dự án tôn tạo Khu di tích Phủ Trịnh; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Lăng miếu Triệu Tường; tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (nhóm dự án số 4)...), thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu và di sản văn hóa. Do đó, phải xin ý kiến thẩm định, thỏa thuận của các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, một số trường hợp phải tổ chức thi sáng tác hình tượng văn hóa để lựa chọn mẫu làm cơ sở thực hiện, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư...

Tuy nhiên, việc lãng phí đất đai, nguồn lực không chỉ thể hiện ở những dự án chậm tiến độ; mà còn đang tồn tại ở nhiều lĩnh vực, như quản lý, sử dụng tài sản công, tài nguyên đất đai, khoáng sản, môi trường... Điển hình trong đó phải kể đến việc xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập các đơn vị hành chính còn chậm. Tính riêng giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã, để thành lập 67 đơn vị. Qua đó, toàn tỉnh đã giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn (giảm 76 đơn vị). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập, thì một bài toán khó đang đặt ra cho nhiều địa phương trong tỉnh là xử lý sao cho hiệu quả hơn 500 cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập. Bởi việc chậm xử lý không chỉ gây lãng phí nguồn tài sản công lớn (cơ sở vật chất, đất đai); mà các địa phương còn phải tốn thêm kinh phí để duy trì việc bảo vệ, giữ gìn loại tài sản này.

Kiên quyết xử lý

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc tiết kiệm, chống lãng phí. Người cho rằng, chỉ có tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để tích lũy thêm vốn, thì mới thực hiện thành công công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Đồng thời, Người coi lãng phí là một căn bệnh rất nguy hiểm, có thể làm phương hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách tiết kiệm của Đảng và Nhà nước. Do đó, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí phải luôn luôn song hành và cần được thực hiện một cách thường xuyên, triệt để, hiệu quả. Đặc biệt, cần nêu cao và phát huy vai trò quan trọng của quần chúng Nhân dân, nhằm “biến hàng chục, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô (Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa, diễn ra vào giữa tháng 12/2024).

Cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế đối với Công ty TNHH Tây Đô (Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hoa, diễn ra vào giữa tháng 12/2024).

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi ra đời và gánh lấy sứ mệnh lịch sử vẻ vang, nhất là khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn chú trọng công tác đấu tranh với tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí. Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã chỉ rõ: “Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Hay Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhấn mạnh: “Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn”.

Gần đây nhất, ngày 25/12/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh việc khẳng định những kết quả đạt được, Chỉ thị số 27-CT/TW cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại hiện nay, như nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa sâu sắc, đầy đủ; có lúc, có nơi tổ chức chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình trạng lãng phí, thất thoát còn nhiều, một số trường hợp rất nghiêm trọng. Chính sách, pháp luật, nhất là chế độ quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, đấu thầu, quản lý vốn, tài sản nhà nước chưa hoàn thiện, còn bất cập. Việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có liên quan đến vấn đề này còn chậm. Công tác vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức...

Thực trạng trên đòi hỏi công tác phòng, chống lãng phí phải trở thành một phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thành văn hóa ứng xử trong cộng đồng, trong mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Nắm vững yêu cầu đó, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được nâng lên. Song, để cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp này đi đến thắng lợi, thì cần có những cách làm bài bản, cùng sự quyết tâm, kiên quyết, kiên trì và nỗ lực rất lớn.

Do đó, cùng với việc quán triệt sâu sắc tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tỉnh Thanh Hóa luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan, địa phương, đơn vị. Đồng thời, phải chú trọng xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân. Đặc biệt yêu cầu người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu, vận động gia đình, người thân và Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực kinh tế, xã hội cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh và nâng cao cuộc sống của Nhân dân.

Đặc biệt, để làm cơ sở cho việc triển khai một cách nghiêm túc, bài bản công tác phòng, chống lãng phí, ngày 9/12/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định của pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực quan trọng như quản lý ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Chỉ thị số 20/CT-UBND cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động công vụ, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng, đảm bảo năng suất, hiệu quả công việc và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức trong khu vực Nhà nước. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ quan, địa phương có thẩm quyền giải quyết và chịu trách nhiệm. Tăng cường thực hiện giám sát, đánh giá và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong phục vụ Nhân dân...

Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đẩy mạnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ vi phạm gây lãng phí lớn tài sản công theo tinh thần “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Đồng thời, “xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”. Điều này một lần nữa cho thấy, đấu tranh với lãng phí vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, đòi hỏi sự tự giác, tự nguyện và trách nhiệm đạo đức xã hội rất cao của mỗi cá nhân, mỗi tập thể vì lợi ích chung và vì sự phồn vinh của quê hương, đất nước.

Khôi Nguyên

Bài cuối: Mài sắc “thanh bảo kiếm”

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quyet-tam-ngan-chan-day-lui-tham-nhung-lang-phi-tieu-cuc-bai-2-chong-lang-phi-nhiem-vu-cap-bach-236328.htm