Quyết tâm ngăn chặn tội phạm mua bán người
Theo đánh giá từ Công an tỉnh, năm 2023 và quý I năm 2024, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng từng lúc còn tiềm ẩn phức tạp.
Nhận định tình hình thực tế, Giám đốc Công an tỉnh chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chưa phát hiện trường hợp lợi dụng xuất khẩu lao động trái phép để buôn người. Tuy nhiên, đã tiếp nhận 42 trường hợp công dân bị trao trả về địa phương. Công an tỉnh xác minh 5 vụ việc, tiếp nhận và thụ lý điều tra 2 vụ án (trong đó có 1 vụ mua bán người, 1 vụ mua bán người dưới 16 tuổi) do Bộ đội Biên phòng tỉnh khởi tố vụ án chuyển, với thủ đoạn bị cưỡng bức lao động, đòi tiền chuộc.
Ðại tá Phạm Minh Lũy, Phó giám đốc Công an tỉnh, cho biết, thực tế đã qua cho thấy thủ đoạn mua bán người nói chung rất tinh vi, đa dạng. Thủ đoạn phổ biến nhất của bọn tội phạm là dụ dỗ, lừa gạt người dân, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, trình độ học vấn thấp, có nhu cầu tìm việc làm xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc trong các công ty đánh bạc trực tuyến do người Trung Quốc làm chủ; khi các công dân Việt Nam không chịu nổi áp lực công việc (thời gian làm từ 12-13 tiếng/ngày), muốn trở về Việt Nam thì phải trả tiền cho công ty từ 50 triệu đến 180 triệu đồng (tiền bồi thường vi phạm hợp đồng). Một thủ đoạn nữa là môi giới lấy chồng nước ngoài, hứa hẹn vẽ lên viễn cảnh tươi đẹp để lôi kéo, dụ dỗ nhiều người, đặc biệt là phụ nữ ở vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, các đối tượng sử dụng mạng Internet để quảng cáo, giới thiệu việc làm trên các tàu cá với mức lương cao hoặc móc nối với các đối tượng tìm kiếm những người có nhu cầu tìm việc làm trong và ngoài tỉnh. Các đối tượng sẽ bố trí xe đón tận nơi. Khi đến Cà Mau, các đối tượng tập trung người lao động lại một nơi do đối tượng thuê mướn hoặc nhà riêng của đối tượng trong thời gian ở đợi các chủ tàu đến nhận đi làm. Thời gian này, các khoản chi phí như tiền ăn, ở, điện, nước..., người lao động phải ghi giấy nợ cho các đối tượng môi giới. Số tiền trên được trừ vào lương ứng trước của người lao động do chủ ghe nhận lao động đứng ra chi trả trước cho các đối tượng môi giới. Một số trường hợp người lao động không chịu nổi áp lực công việc, không quen công việc, bị thuyền trưởng, thuyền viên đi chung đánh đập nên bỏ trốn.
Theo đánh giá của ngành chức năng, công tác đấu tranh loại tội phạm mua bán người thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các ngành chức năng trong tỉnh về đối tượng liên quan đến hoạt động mua bán người từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, dẫn đến thiếu chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và ngăn chặn. Công tác xác minh, thu thập thông tin, tài liệu về hoạt động mua bán người còn gặp nhiều khó khăn, do người thân của nạn nhân chậm báo tin, khi các đối tượng yêu cầu đưa tiền chuộc mới thả người thì lúc đó mới cung cấp cho công an... Bên cạnh đó, đã qua công tác tuyên truyền tuy được tổ chức triển khai thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa rộng khắp trong Nhân dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn, địa bàn ven biển, hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao.
Ðại tá Phạm Minh Lũy nhận định, tình hình tội phạm mua bán người thời gian tới tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp; phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi hơn, nhất là hoạt động trên không gian mạng. Nếu không kịp thời quan tâm chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.
Phòng ngừa tội phạm mua bán người là nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Chính vì thế, để công tác này đạt hiệu quả cần quan tâm hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân về các nguy cơ, cách nhận biết phòng tránh và hậu quả của tội phạm mua bán người. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về mua bán người cho cán bộ cơ sở để họ có thể phát hiện, tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại các địa bàn nông thôn, địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, để người dân nâng cao cuộc sống, không bị các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia hoạt động mua bán người. Cần quan tâm đúng mức vấn đề tạo việc làm, đào tạo nghề cho người lao động, nhất là phụ nữ và trẻ em.
“Trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này, yêu cầu đặt ra là công tác phối hợp cần phải đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, các ngành chức năng có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố, thường xuyên trao đổi thông tin về tội phạm mua bán người để phối hợp hành động trong giải cứu nạn nhân, có biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cung cấp các dịch vụ y tế tâm lý, tư vấn pháp luật và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho nạn nhân được giáo dục, đào tạo nghề, có việc làm ổn định”, Ðại tá Phạm Minh Lũy chia sẻ.
Ðại tá Phạm Minh Lũy cho biết, với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, lực lượng công an trong tỉnh sẽ chủ động nắm chặt tình hình về tội phạm mua bán người. Xác định tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người; phân công, phân cấp, chủ động các biện pháp kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện mở các cao điểm đấu tranh, xử lý hoạt động của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quyet-tam-ngan-chan-toi-pham-mua-ban-nguoi-a32759.html