Quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu

Ngày 1/11, ngày thứ tám của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành cả ngày làm việc tại hội trường, tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến cho năm 2024; kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Cụ thể, Quốc hội thảo luận về 5 nội dung: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Tại phiên thảo luận đã có 45 đại biểu phát biểu, 22 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung như: Khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới; điều chỉnh chính sách tài khóa nới rộng; giải ngân đầu tư công; chương trình tín dụng cho năm lĩnh vực ưu tiên; cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển kinh tế biển kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh; công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; công trình đường bộ cao cấp; xây dựng cầu cạn trên vùng đất yếu; quản lý chung cư mini; tình hình hoạt động và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; thị trường lao động; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; chương trình Chuyển đổi số quốc gia; nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và ban hành các chính sách; cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; công tác đối ngoại; giáo dục đào tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài; đầu tư cho yếu tố con người; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực y tế; chú trọng công tác bảo vệ trẻ em; việc làm cho thanh niên; điều kiện phát triển y tế, giáo dục, giáo dục đại học;…

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp, kiến nghị. Cụ thể như cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; giải quyết đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 trong lĩnh vực y tế; sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng.

Giảm thuế VAT cho tất cả các mặt hàng trong nền kinh tế để kích cầu nền kinh tế; có cơ chế cho vay trung, dài hạn đặc biệt là cho vay đối với công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số; tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn, nguồn lực cho việc phát triển nông nghiệp.

Bảo tồn công trình thủy lợi; tháo gỡ những vướng mắc trong xin phép xây dựng các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, công trình phục vụ phát triển nông nghiệp và về thị trường, giá cả, vật tư cho người nông dân; điều chỉnh các định mức phù hợp, rút gọn đơn giản thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu, xây dựng thông thường, thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu đánh giá tác động, sớm sử dụng các vật liệu mới thay thế để có thêm nhiều đường bộ cao tốc.

Quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng; tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học.

Đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm ứng dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất có khả năng tích hợp tất cả các nội dung quản lý nhà nước của các ngành, các lĩnh vực để người dân cài đặt một lần và sử dụng lâu dài.

Rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;…

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp không phải vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, tiếp tục có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vị trí, vai trò của nông dân, để nông nghiệp luôn là trụ cột vững chãi cho nền kinh tế, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đại biểu Trần Thị Thanh Lam (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, khó khăn của người dân trong sản xuất nông nghiệp không phải vấn đề mới, nhưng chưa bao giờ là cũ. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần xem xét, tiếp tục có những chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vị trí, vai trò của nông dân, để nông nghiệp luôn là trụ cột vững chãi cho nền kinh tế, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phó Chủtịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc phiên thảo luận.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội thống nhất, năm 2023 và từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, vượt khả năng dự báo, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển, tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự sâu sát, cố gắng, quyết tâm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp; sự đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế, nên nền kinh tế nước ta đã đứng vững, từng bước phục hồi, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, lĩnh vực xã hội, đời sống nhân dân cơ bản đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững, công tác đối ngoại đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, năm 2024 và thời gian còn lại của cả nhiệm kỳ, do tác động bất lợi từ bên ngoài và do những yếu kém nội tại của nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội đề nghị theo dõi sát tình hình trong nước và trên thế giới, quyết tâm phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho năm 2023, 2024 và cho cả nhiệm kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các Bộ trưởng đã tham gia phát biểu về một số vấn đề nổi lên của ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tuy nhiên, do thời gian có hạn, chưa thể trả lời đầy đủ các vấn đề mà các đại biểu đã nêu. Đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng ghi nhận để tiếp tục trả lời, giải trình tại phiên chất vấn tới đây của Quốc hội./.

T. Bình (tổng hợp)

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/quyet-tam-phan-dau-hoan-thanh-o-muc-cao-nhat-cac-muc-tieu-chi-tieu-a29883.html