Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Long An đã giám sát chuyên đề về công tác tổ chức bộ máy và biên chế trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ đầu năm 2021 đến ngày 30.8.2024. Trong đó, đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát với quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để hoạt động mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công còn ít
Qua giám sát cho thấy, nhìn chung công tác chỉ đạo, thực hiện pháp luật về tổ chức bộ máy và biên chế trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương triển khai kịp thời, đầy đủ, chính xác, đồng bộ, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tỉnh đã đẩy mạnh sắp xếp bộ máy. Sau sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn 684 đơn vị (đã giảm 129/813 đơn vị, đạt tỷ lệ 15,86% so với năm 2015). Giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh xác định rõ lộ trình giảm ít nhất 5% biên chế công chức (tương ứng giảm 115 biên chế); giảm ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (tương ứng giảm 2.633 biên chế) so với năm 2021. Đồng thời, đã sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, theo đó giảm 2 đơn vị từ 188 xuống còn 186.
Tuy nhiên, theo kết quả giám sát, mục tiêu giảm 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 khó đạt do giai đoạn 2015 - 2021 thực hiện Đề án số 02 của Tỉnh ủy, các đơn vị sự nghiệp công lập đã sắp xếp giảm trước đó. Việc tuyển dụng công chức chưa đáp ứng đủ chỉ tiêu theo quy định. Đến thời điểm giám sát (30.8.2024), công chức, viên chức của tỉnh vẫn còn thiếu so với biên chế giao: công chức có mặt 2.127/2.250 người (thiếu 123 người, chiếm 5,47%); viên chức có mặt 21.832/24.957 người (thiếu 3.125 người, chiếm 12,52%). Thiếu nhiều nhất là ngành giáo dục có mặt biên chế 17.223/19.569 người (thiếu 2.346 người, chiếm 11,98%); ngành y tế có mặt biên chế 4.910/6.658 người (thiếu 1.748 người, chiếm 26,25%).
Việc thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, nhất là ngành giáo dục có số đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên rất ít, chỉ có 1/556 đơn vị, chiếm 0,18%; ngành y tế có 7/26 đơn vị, chiếm 26,92% và đang gặp khó khăn khi lương cơ sở tăng trong khi việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chưa đồng bộ, kịp thời. Việc xây dựng, phê duyệt chính thức Đề án vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức hành chính và nhìn chung còn chậm. Thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan chính sách đào tạo, thu hút nhân lực ngành y tế hiệu quả chưa cao như chính sách thu hút nhân lực y tế giai đoạn 2022 - 2025, qua 3 năm chỉ thu hút được 20/200 chỉ tiêu, đạt 10%.
Tinh gọn bộ máy là yêu cầu tất yếu
Sau khi giám sát, HĐND tỉnh Long An nhất trí ban hành nghị quyết chuyên đề về kết quả giám sát. Trong đó, yêu cầu UBND tỉnh chủ động có kế hoạch, phương án, giải pháp toàn diện, đột phá về sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế trong khối các cơ quan thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, xã theo chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, hướng đến thực hiện bằng được mục tiêu bộ máy mới sau sắp xếp phải tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng phải thực hiện thắng lợi như tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, phê duyệt chính thức Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và bố trí công chức, viên chức đúng theo Đề án vị trí việc làm, làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức phù hợp, hiệu quả, đúng quy định. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị sử dụng công chức, viên chức xây dựng quy chế, quy định về tiêu chí đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm tại đơn vị mình đồng bộ, chặt chẽ, rõ ràng theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả/sản phẩm”; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh có giải pháp khả thi, phù hợp, hiệu quả giải quyết nhu cầu đạo tạo nghề gắn với giảng dạy văn hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ và đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ phù hợp thực tế của tỉnh, khắc phục việc tỉnh hỗ trợ, đặt hàng đào tạo nhưng lại gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng sau đào tạo, làm giảm tính hiệu quả khi thực hiện chính sách.
Đặc biệt, cần mạnh dạn triển khai tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh theo Đề án đã ban hành. Tiếp tục triển khai phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Tân An và huyện Bến Lức.
Tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến đào tạo, thu hút nguồn nhân lực làm cơ sở đề xuất giải pháp mang tính đột phá, vượt trội hơn cho giai đoạn tiếp theo 2026 - 2030; chủ động nghiên cứu chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh trường THPT và học sinh trường ngoài công lập trong năm 2025 để tạo sự công bằng, thể hiện tính ưu việt của chế độ đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của tỉnh.