Quyết tâm thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào

Ngày 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2020 để đánh giá tình hình kinh tế-xã hội thời gian qua, bàn định hướng phát triển những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng khẳng định, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia hiệu quả của hệ thống chính trị, các bộ ngành, sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, thời gian qua chúng ta rất thành công trong công tác phòng, chống COVID-19. Các ổ dịch được vây và dập rất nhanh, không để lây nhiễm trong cộng đồng, đến nay cơ bản được kiểm soát, các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm được khoanh vùng, cách ly phù hợp. Kết quả này đóng góp tích cực cho mục tiêu kép, phòng, chống dịch đồng thời phục hồi kinh tế - xã hội, tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021.

Thủ tướng đánh giá có nhiều chuyển biến rất đáng mừng trong tháng 8: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; chính sách tiền tệ được thực hiện tương đối tốt. Dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và đến cuối năm nay có thể đạt con số 100 tỷ USD, như vậy, tăng nhiều lần so với mức 20 tỷ USD vào đầu nhiệm kỳ. CPI tháng 8/2020 tăng 0,07% so với tháng trước, CPI bình quân 8 tháng năm 2020 tăng 3,96% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ giá ổn định. Lãi suất có xu hướng giảm để hỗ trợ sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Thủ tướng yêu cầu việc cần chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ, kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có. Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dụng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%. Càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. Cần phải xác định chiến lược áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất để “có sức bật mạnh sau khủng hoảng”.

“Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”, Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phương pháp và phương thức phát triển, nhất là tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời đại như chuyển đổi số quốc gia. Phải chú ý sâu hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

“Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng nói. Thủ tướng yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đô thị lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ cho doanh nghiệp, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại. Ngân hàng Nhà nước sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Các địa phương có thể điều chỉnh linh hoạt về khu công nghiệp, cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, thu lại những khu công nghiệp không thể làm được, công bố khu công nghiệp sẵn sàng về quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng. Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng đề nghị phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

An Quỳnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quyet-tam-thuc-hien-muc-tieu-kep-trong-bat-ky-hoan-canh-nao-610265/