Quyết tâm triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà vươn lên của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tại Việt Nam, sơ bộ tổng kinh phí đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao là khoảng 67 tỷ USD, bình quân khoảng 43 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với các nước trên thế giới, được các chuyên gia nghiên cứu và đánh giá phù hợp nhất với Việt Nam. Mỗi năm, bình quân Dự án đường sắt tốc độ cao cần khoảng 5,6 tỷ USD.
Ông Nguyễn Danh Huy - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết: "Chúng tôi phân tích các kịch bản, độ nhạy về mặt tài chính, kinh tế để có tiên lượng, giải pháp để kiểm soát trong quá trình triển khai".
Theo kinh nghiệm quốc tế, để đảm bảo tính khả thi, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cần đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các nguồn vốn hợp pháp khác trên nguyên tắc chi phí hợp lý và không chịu ràng buộc về công nghệ. Ngoài ra, cần huy động các nguồn vốn chi phí thấp khác ở cả trong và ngoài nước. Trong quá trình khai thác sẽ kêu gọi xã hội hóa đầu tư khu dịch vụ, thương mại tại các ga, doanh nghiệp trả phí thuê kết cấu hạ tầng cho Nhà nước.
Đại tá Phan phú, Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng, cho rằng: "Tôi nghĩ rằng những doanh nghiệp ngồi đây là doanh nghiệp rất yêu nước. Chúng tôi không nhìn thấy cơ hội hàng triệu việc làm nhưng chúng tôi nhìn thấy đây là sản phẩm quốc gia xứng đáng để bỏ tâm huyết vào. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà".
60 năm kể từ khi ra đời, đường sắt tốc độ cao đã phát triển tại 22 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 60 nghìn km đã đưa vào khai thác, khoảng 20 nghìn km đang được xây dựng. Dự án đường sắt tốc độ cao mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt, nhưng nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp Việt có thể thua ngay trên sân nhà. Nguyên do bởi đây là dự án được làm theo tiêu chuẩn kỹ thuật chính xác cao, công nghệ hiện đại, lại chưa từng triển khai ở trong nước.
Theo Tiến sĩ Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng Công ty tư vấn OCG Nhật Bản, phần nền tảng đã được chuẩn bị tốt, nên việc tiếp thu và cải thiện thêm để dần dần làm chủ công nghệ khi xây dựng và thi công đường sắt tốc độ cao là hoàn toàn trong phạm vi của nước ta. Tuy nhiên, trước hết vẫn cần những nhà thầu tiên tiến của nước ngoài.
Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án đường sắt tốc độ cao là hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực trong nước về đường sắt. Việc đào tạo con người phải mất từ 5-10 năm, nên rất cần đào tạo từ sớm để nâng cao trình độ của kỹ sư trong nước, từ đó mới dễ dàng tiếp cận công nghệ của nước ngoài.
Với kết quả nổi bật về phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian qua; sự quyết liệt chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiềm lực, vị thế quốc gia, cùng với sự thống nhất quyết tâm trong hành động... chưa bao giờ khả năng hiện thực hóa khát vọng về tuyến đường sắt tốc độ cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gần với thực tế như hiện nay.