Quyết tâm vươn lên thoát nghèo

Với ý chí quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, cùng sự chung tay trợ giúp của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã tiếp thêm động lực giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững. Điển hình như chị Nguyễn Thị Hồng Lan, chị Trần Thị Bé Chính, anh Nguyễn Duy Thông là những cá nhân tiêu biểu về tinh thần chịu khó lao động, cầu tiến, lập nghiệp, quyết tâm thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc.

Chị Nguyễn Thị Hồng Lan (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) phát triển kinh tế gia đình với nghề làm bánh bông lan

Chị Nguyễn Thị Hồng Lan (xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh) phát triển kinh tế gia đình với nghề làm bánh bông lan

CHÍ THÚ LÀM ĂN

Với tính cần cù, siêng năng, chịu khó, chị Nguyễn Thị Hồng Lan ngụ xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh quyết tâm vượt qua nghèo khó để gia đình có một cuộc sống tốt hơn. Nhìn đời sống kinh tế của vợ chồng chị Lan hiện tại, ít ai biết, anh chị đã trải qua nhiều năm sống cảnh thiếu trước hụt sau. Gia đình không có vốn liếng, chủ yếu kiếm sống bằng việc làm thuê, con còn nhỏ nhưng với suy nghĩ không muốn mãi chịu cảnh nghèo, chị Lan quyết chí đi học nghề làm bánh bông lan ở TP Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế gia đình.

Khi mới khởi nghiệp bằng nghề làm bánh, chị Lan nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPH) xã giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Tổ tiết kiệm hùn vốn của Hội. Sau khi nhận vốn hỗ trợ, chị mua sắm thiết bị, dụng cụ làm bánh. Nhờ chịu khó, ham học hỏi, công việc kinh doanh của chị ngày càng được nhiều người biết đến, hiện cơ sở bánh bông lan của chị Lan bán nhiều loại bánh ngọt, giá cả phải chăng và được nhiều người ưa chuộng. Với công việc hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Chị Lan cho biết, nhờ sự đồng hành của chính quyền địa phương và Hội LHPH xã hỗ trợ, tiếp cận nguồn vốn chính sách xã hội và giới thiệu, hỗ trợ sản phẩm khởi nghiệp nên bánh của cơ sở đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của huyện Cao Lãnh.

Năm qua là năm rất đáng nhớ đối với gia đình chị Lan, khi gia đình chị viết đơn tự nguyện xin thoát hộ cận nghèo và xây được căn nhà mới khang trang, an cư lạc nghiệp; tích góp lo cho con ăn học. Chị Lan bộc bạch: “Gia đình tôi thoát được cảnh nghèo, tôi rất biết ơn những anh, chị đã truyền đạt cho mình kiến thức nghề làm bánh, Hội LHPH xã luôn quan tâm giúp đỡ. Tôi nghĩ mình phải quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, không thể trông chờ mãi vào sự giúp đỡ của người khác. Vợ chồng tôi còn trẻ, còn sức khỏe và có việc làm ổn định nên tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ cận nghèo. Gia đình tôi cố gắng làm bánh ngon để có nhiều khách hàng, từ đó mở rộng cơ sở và tạo việc làm cho lao động địa phương”.

TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG

Không chỉ vượt khó thoát nghèo, chị Trần Thị Bé Chính ngụ Phường 6, TP Cao Lãnh còn tạo việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương. Trước đây, khi vợ chồng chị sinh đứa con thứ 2 bị mắc bệnh tim bẩm sinh, số tiền dành dụm đã dùng hết để điều trị bệnh cho con nên cuộc sống gia đình vô cùng chật vật. Sau nhiều năm vất vả mưu sinh xứ người, vợ chồng chị quyết định về quê lập nghiệp. Được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho hộ nghèo, với sự chăm chỉ, sẵn có nghề may, anh chị nhận may gia công tại nhà để chủ động vươn lên, phát triển kinh tế gia đình.

Chị Trần Thị Bé Chính (Phường 6, TP Cao Lãnh) kiểm tra sản phẩm gia công

Chị Trần Thị Bé Chính (Phường 6, TP Cao Lãnh) kiểm tra sản phẩm gia công

Chị Chính chia sẻ trong niềm vui: “Nhờ tiếp cận nguồn vốn từ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ để lao động thoát nghèo, đến nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn. Tôi rất biết ơn UBND Phường 6, Hội LHPN phường tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình tôi trong lúc khó khăn. Hiện có nhiều mối đặt hàng, số lượng hàng may tăng lên nên tôi tuyển thêm thợ là các chị em vào may phụ giúp”.

Khi cuộc sống gia đình ổn định, chị Bé Chính đã trả lại sổ hộ nghèo để địa phương xét cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Hiện nay, công việc may gia công quần áo của gia đình chị rất thuận lợi, tạo thêm việc làm cho các lao động nữ ở địa phương; bản thân chị tích cực tham gia các hoạt động của phường, đồng thời nhiệt tình giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn.

THANH NIÊN VƯỢT KHÓ

Đến huyện Thanh Bình, chúng tôi gặp gỡ anh Nguyễn Duy Thông - Bí thư Chi đoàn Ấp 4, xã Phú Lợi nghe anh kể về hành trình thoát nghèo. Anh Nguyễn Duy Thông bộc bạch: “Gia đình tôi nhiều năm là hộ nghèo, cận nghèo ở địa phương, không đất sản xuất, tôi phải lam lũ làm thuê đủ nghề như: hái ớt, đắp đê, làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng... để lo cái ăn, kiếm tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tôi luôn ao ước lao động bằng sức lực của mình sẽ vượt qua khó khăn để chăm sóc người mẹ già”.

Tuy phải lao động mưu sinh vất vả, nhưng anh Nguyễn Duy Thông rất tích cực tham gia các hoạt động của Xã đoàn Phú Lợi. Sau đó, anh Thông được chính quyền địa phương, Xã đoàn giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, dự các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ con giống. Thời gian đầu, anh chọn chăn nuôi bò nhưng không thành công, sau khi tìm hiểu về nuôi heo rừng, anh quyết định mua 2 con heo rừng về nuôi. Qua đợt nuôi, trừ chi phí anh còn lãi 25 triệu đồng, với số tiền lãi từ nuôi heo rừng, anh Thông đã hoàn trả số tiền vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi.

Anh Nguyễn Duy Thông (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) chăm sóc đàn heo

Anh Nguyễn Duy Thông (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) chăm sóc đàn heo

Năm 2023, anh Thông được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 con heo giống và anh mua thêm 50 con vịt xiêm. Thời gian rảnh, anh đi cắt rau muống, rau lang, chuối cây... làm thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm để giảm chi phí trong chăn nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi, việc chăn nuôi của anh rất thuận lợi, sau 4 tháng nuôi, đàn heo xuất chuồng, trừ chi phí, anh có lợi nhuận 18 triệu đồng và sau 2 tháng nuôi đàn vịt, anh lãi được 7 triệu đồng.

Anh Nguyễn Duy Thông chia sẻ: “Trước đây, căn nhà đang sống lụp xụp, xuống cấp trầm trọng không biết khi nào mới sửa lại. Nhờ địa phương vận động trao tặng hỗ trợ xây dựng căn nhà nhân ái, tôi và mẹ rất vui mừng vì có được căn nhà mới, giúp tôi yên tâm lao động. Hiện tôi đang vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách xã hội để mở rộng chuồng nuôi, mua thêm 20 con heo thịt, heo rừng nuôi sinh sản và thuê đất làm ruộng để tăng thêm thu nhập. Trải qua khó khăn, tôi ý thức phải cố gắng nhiều hơn nữa để quyết tâm thoát nghèo bền vững, phát triển kinh tế gia đình”.

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã tập trung nhiều nguồn lực, thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thiết thực, hiệu quả đối với người nghèo. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Với sự tiếp sức của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm gương điển hình vượt lên khó khăn thoát nghèo, đặc biệt là việc người dân tự nguyện xin thoát nghèo. Điều này cho thấy, người dân đã thoát khỏi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý chí vươn lên, dám nghĩ, dám làm để đổi thay cuộc sống tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Mỹ Long

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/quyet-tam-vuon-len-thoat-ngheo-129016.aspx