Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Sau ngày đất nước thống nhất, cầu Rạch Chiếc vẫn đứng vững như một minh chứng cho sự kiên cường, anh dũng của những chiến sĩ biệt động đã 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh' giúp quân giải phóng thuận lợi tiến vào Sài Gòn thống nhất đất nước. Và, trong những ngày thành phố bắt tay vào công cuộc dựng xây, kiến thiết xã hội mới, cây cầu tiếp tục làm nhiệm vụ kết nối giao thông, hàng ngày đón hàng nghìn chuyến xe, hàng vạn tấn hàng hóa và cả triệu người qua lại.

Lấy 1 địch 10

Đầu tháng 4/2025, chúng tôi trở lại thăm cầu Rạch Chiếc. Sau nửa thế kỷ, Rạch Chiếc vẫn còn nhiều cây bụi, lau lách. Một số bụi dừa nước cổ thụ, chứng nhân của những ngày khói lửa chiến tranh vẫn còn đó. Dưới chân cầu, chúng tôi gặp bà Đậu Huệ (ngụ phường An Khánh, TP Thủ Đức) đang quét dọn, bày mâm cúng. Bà cho biết người dân địa phương thường đến thắp hương, thả cá phóng sinh và cầu siêu cho hương hồn các chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong trận chiến cầu Rạch Chiếc. Rồi bà lẩm nhẩm đọc: “Ai cũng phải biết ơn/ Máu xương người nằm xuống/ Những người sống cao thượng/ Và đã chết vinh quang/Cho đất nước huy hoàng/Trong hòa bình thống nhất”.

Cầu Rạch Chiếc ngày xưa.

Cầu Rạch Chiếc ngày xưa.

Ông Nguyễn Đức Thọ (cựu chiến binh thuộc Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316) đã nói rằng, trận đánh tại cầu Rạch Chiếc là trận chiến căng thẳng cuối cùng của những chiến sĩ quân giải phóng. Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ban đầu Lữ đoàn 316 được giao nhiệm vụ đánh Bộ Tư lệnh Hải quân địch tại khu vực Bến Bạch Đằng. Sau đó, cấp chỉ huy đã có lệnh thay đổi mục tiêu: Phải đánh và bảo vệ bằng được cầu Rạch Chiếc, không để quân địch phá sập cầu nhằm giữ đường cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Đêm 26/4/1975, 3 đơn vị gồm: Z22, Z23 và Tiểu đoàn 81 của Lữ đoàn Đặc công - Biệt động 316 đã tổ chức trinh sát, đến 23 giờ thì tiếp cận mục tiêu để chuẩn bị cho trận đánh. Lữ đoàn 81 được phân công đánh chiếm, giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), còn 2 đơn vị Z22 và Z23 đánh từ đầu cầu phía Bắc (hướng từ Biên Hòa vào). Giờ nổ súng được ấn định là 3 giờ 30 phút ngày 28/4.

Trước giờ nổ súng chừng nửa tiếng, một chiếc xe của địch từ nội đô bất ngờ lao lên cầu, tiến sát nơi các chiến sĩ đang ém quân. Trận đánh bắt buộc phải nổ ra sớm hơn. Hàng chục khẩu B40, B41 của Tiểu đoàn 81 đồng loạt khai hỏa ở phía Nam cầu nhắm thẳng vào khu vực trại lính, sở chỉ huy, bót gác... Ở đầu cầu phía Bắc, 2 đơn vị Z22, Z23 đang vượt sông thì súng từ tháp canh của địch bắn xối xả vào đội hình các chiến sĩ. Bất chấp nguy hiểm, ông Thọ đã bắn quả B40 trúng tháp canh, dập tắt hỏa lực của địch. Sau khoảng 30 phút giằng co ác liệt, quân ta đã chiếm lĩnh mặt cầu Rạch Chiếc.

Cầu Rạch Chiếc ngày nay. Ảnh: Huy Thịnh

Cầu Rạch Chiếc ngày nay. Ảnh: Huy Thịnh

Sau khi quân Giải phóng chiếm được mặt cầu, địch tổ chức phản công dữ dội. Từ căn cứ Thủ Đức, căn cứ hải quân Cát Lái và từ tàu chiến trên sông Sài Gòn, đạn pháo rót thẳng vào cầu Rạch Chiếc. Địch còn dùng lực lượng bộ binh đông đảo cùng xe tăng, xe thiết giáp để tấn công trực diện nhằm chiếm lại cầu. Bất chấp hiểm nguy, các chiến sĩ biệt động tiếp tục bám trận địa để chiến đấu trong thế trận không cân sức. Hơn 200 chiến sĩ đặc công, biệt động chiến đấu với hơn 2.000 quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được trang bị vũ khí đầy đủ, hiện đại cùng sự hỗ trợ của pháo binh.

Đến sáng 30/4/1975, biết tin quân giải phóng đã chiếm thành Tuy Hạ, vượt sông và đánh chiếm căn cứ hải quân Cát Lái, tinh thần chiến đấu của địch tại cầu Rạch Chiếc không còn. Lính tráng bỏ vũ khí chạy thoát thân về nội đô Sài Gòn. Khi những chiếc xe tăng của Quân đoàn 2 treo cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng lần lượt tiến qua cầu Rạch Chiếc, hướng về Dinh Độc Lập, bên thành cầu, các chiến sĩ đặc công ôm mặt khóc, thương tiếc cho 52 đồng đội đã hy sinh.

Đôi bờ thay da đổi thịt

Sau ngày đất nước thống nhất, cầu Rạch Chiếc tiếp tục đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển của thành phố. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển và đô thị hóa quá nhanh, cầu Rạch Chiếc cũ, sau nhiều năm khai thác đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển với lưu lượng phương tiện ngày càng tăng. Tháng 9/2009, TPHCM đã khởi công xây dựng cầu Rạch Chiếc mới dài 736 mét, rộng 48 mét, bao gồm ba nhánh cầu riêng biệt với 10 làn xe. Cầu Rạch Chiếc mới chính thức được khánh thành và đưa vào khai thác từ năm 2012.

Bia tưởng niệm luôn có hoa tươi.

Bia tưởng niệm luôn có hoa tươi.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông công chánh TPHCM, cầu Rạch Chiếc mới không chỉ giải quyết tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ phía Đông mà còn đóng vai trò kết nối chiến lược giữa TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Cùng với cây cầu lịch sử này, đôi bờ Rạch Chiếc cũng đang thay da đổi thịt mạnh mẽ. Xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa xưa kia nay là Xa lộ Hà Nội, được mở rộng đến 12 - 26 làn xe. Đặc biệt, tháng 8/2023, đoạn tuyến từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức (trong đó bao gồm đoạn qua cầu Rạch Chiếc) chính thức được đặt tên mới là đường Võ Nguyên Giáp như một sự tri ân sâu sắc tới Đại tướng, vị anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Cách cầu Rạch Chiếc không xa là nhà ga metro Rạch Chiếc- một điểm nhấn của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã đưa vào vận hành từ cuối năm 2024, góp phần hiện đại hóa giao thông công cộng và mở ra cơ hội phát triển toàn diện khu vực phía Đông. Khu vực Rạch Chiếc được kỳ vọng sẽ trở thành đầu mối phát triển đô thị theo mô hình TOD (Transit-Oriented Development - Phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).

“Hàng năm, cứ vào ngày 28/4 các cựu chiến binh Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 lại tụ họp làm lễ giỗ những người đồng đội đã hy sinh để bảo vệ cầu Rạch Chiếc. Họ cùng thắp nén nhang, cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng của những năm tháng gian lao mà anh dũng đó. Khi đọc những dòng chữ ghi danh các liệt sĩ khắc trên bia tưởng niệm, ai nấy đều xúc động nghẹn ngào...”.

Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu

Nhưng cho dù diện mạo đang thay đổi hàng ngày, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công và biệt động năm xưa sẽ không bao giờ bị lãng quên. Sau ngày đất nước thống nhất, một bia tưởng niệm các liệt sĩ đã được dựng lên bên chân cầu bởi những đồng đội cũ. Năm 2015, UBND TPHCM đã cho khởi công dự án Công viên - Bia tưởng niệm trên diện tích 8.403m2 với tổng kinh phí 21,5 tỷ đồng. Nơi đây đã trở thành điểm đến, điểm sinh hoạt văn hóa giáo dục truyền thống của các trường học, các tổ chức thanh niên trên địa bàn.

Từ chiến trường khốc liệt trở thành điểm giao thoa của quá khứ và tương lai, Rạch Chiếc không chỉ là biểu tượng của sự hồi sinh, mà còn là minh chứng cho khát vọng phát triển bền vững và hiện đại của TPHCM.

(Còn nữa)

Trọng Thịnh - Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/quyet-tu-cho-to-quoc-quyet-sinh-post1735474.tpo