Ra đại dương rồi, không phải ở ao hồ nữa
'Thông thị trường, thoáng thể chế, nâng cấp doanh nghiệp, đào tạo nhân tài là 4 trụ cột giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để vượt qua thách thức', ông Vũ Tiến Lộc đúc rút.
Lo lắng hàng rào kỹ thuật
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng: Cơ hội mở ra, đặc biệt là khả năng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa vào liên minh châu ÂU (EU) nhờ Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) là điều hiển nhiên, song cũng cần lưu ý rằng, những cam kết thương mại trong EVFTA rất cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh thể chế kinh tế cho phù hợp và tuân thủ đúng với những cam kết.
Bày tỏ lo ngại sâu hơn ở yếu tố hàng rào kỹ thuật, chuyên gia Phạm Tất Thắng nêu quan điểm: Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của EU rất cao, đặc biệt đối với những hàng điện máy, điện tử, thủy hải sản. Lâu nay, Việt Nam vẫn đang phải tìm mọi cách để EU gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với hải sản cũng như những quy định về dư lượng hóa chất.
Với các sản phẩm Việt Nam hiện đang có thế mạnh xuất khẩu vào EU như sản phẩm gỗ, chuyên gia Phạm Tất Thắng vẫn lưu ý đồ gỗ của Việt Nam muốn vào được EU lại rất cần coi trọng vấn đề xuất xứ gỗ rừng trồng. Muốn đảm bảo những quy tắc xuất xứ này, Việt Nam cần phát triển công nghiệp phụ trợ hoặc nông nghiệp sạch…
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư tại Đức cho rằng: Điều khó khăn nhất hiện nay khi tham gia hiệp định này là các quy chuẩn kỹ thuật với các DN Việt Nam, tiêu chuẩn về hàng hóa vào châu Âu. Như chúng ta đã rõ, họ là thị trường khó tính, đặc biệt với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là rào cản lớn. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm sản xuất của châu Âu. Từ đó giúp cho kim ngạch xuất khẩu tăng lên.
Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, DN cần nghiên cứu kỹ hiệp định này, trên cơ sở đó tìm được điểm mạnh và khắc phục điểm yếu của chúng ta. Cơ hội lớn là chúng ta học hỏi nhiều trình độ năng lực quản trị, công nghệ, qua đó cải thiện điều kiện sản xuất.
“Điểm yếu lớn nhất là trình độ công nghệ, quản trị, đặc biệt là chất lượng sản phẩm của ta có nhiều hạn chế. Khi mở cửa hàng rào thuế quan 100%, chúng ta có thể vào được ngay nhưng rào cản về các biện pháp kỹ thuật mới là điểm cần lưu ý”, ông Hùng chia sẻ.
Doanh nghiệp ra đại dương rồi, không phải ở ao hồ nữa
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Hàng Việt Nam vào châu Âu, thì hàng hóa châu Âu cũng vào cạnh tranh ngay trên sân nhà mình, ngay trước cửa nhà mình. Cạnh tranh rất khốc liệt. Thách thức là có nhưng không quá nghiêm trọng. Tôi tin vào nội lực doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam đã mở cửa thị trường cho nhiều đối thủ mạnh như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước CPTPP. Mở cửa cho doanh nghiệp châu Âu tương tự vậy. Nếu không mở cửa cho doanh nghiệp châu Âu thì chúng ta vẫn phải chấp nhận một sự cạnh tranh ấy trên sân nhà.
Theo ông Lộc, lộ trình giảm thuế tại hiệp định này là 3 năm, 7 năm và 10 năm. Có nghĩa, Chính phủ mở cửa có lộ trình và đã tính đến sự vươn lên của doanh nghiệp.
Mặt khác, nhiều sản phẩm của Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Đó cũng là lợi thế của chúng ta.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, để tận dụng cơ hội từ các hiệp định này, quy tắc xuất xứ phải được đảm bảo. Đây là một vấn đề bởi Việt Nam vẫn nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc, ASEAN. Do vậy, muốn vượt qua được quy tắc xuất xứ này cần phải nỗ lực rất lớn.
“Làm sao phải sử dụng được nguyên liệu từ châu Âu”, lãnh đạo VCCI chia sẻ.
Lãnh đạo VCCI cũng không quên nhắc đến chướng ngại được nhiều chuyên gia, DN đề cập ở trên, là các rào cản kỹ thuật.
“Rào cản kĩ thuật của châu Âu khá cao, thuộc loại cao nhất thế giới. Vệ sinh dịch tễ cũng như vậy. đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn kĩ thuật và vệ sinh dịch tễ là rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Lộc chia sẻ.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác với doanh nghiệp EU, đồng thời cần sự trợ giúp của Liên minh châu Âu trong việc hỗ trợ kĩ thuật, để doanh nghiệp Việt nâng cao được chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đó.
Ngoài ra, chi phí tuân thủ hiệp định cũng là điểm cần lưu ý. Hiệp định này kèm theo những điều kiện rất cao về lao động, môi trường. Cho nên chi phí tuân thủ của DN là rất lớn để đáp ứng các tiêu chuẩn châu Âu.
Vì thế, lãnh đạo VCCI kiến nghị Chính phủ phải có chính sách hõ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp quy trình sản xuất để đáp ứng các yêu cầu của EU. Bởi một mình doanh nghiệp thì khó mà vượt qua được.
Một vấn đề khác được đại diện VCCI đặc biệt lưu ý là thể chế. “Chúng ta đã thông thị trường rồi, tiếp theo phải thoáng về thể chế”, ông Vũ Tiến Lộc nói, “Thị trường mở ra mà thể chế bó chân bó tay doanh nghiệp thì doanh nghiệp khó sống nổi. Giờ không phải là đưa doanh nghiệp ra ao hồ, sông suối nữa, mà xuống đại dương rồi, nên nếu luật lệ không theo kịp, thủ tục vẫn phiền toái thì rất khó”.
Về phía doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp phải tự nâng cấp lên. Bởi trình độ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu, đội sổ về quản trị doanh nghiệp.
Cuối cùng phải đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi việc đón nhận nguồn đầu tư mới, giá trị gia tăng lớn hơn, tham gia vào nghiên cứu phát triển thì cần lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu này.
“Thông thị trường, thoáng thể chế, nâng cấp doanh nghiệp, đào tạo nhân tài là 4 trụ cột giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để vượt qua thách thức”, ông Vũ Tiến Lộc đúc rút.