Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Đừng để lo nhiều hơn mừng! - Bài 3: 'Chín ép' sẽ khó bền (Tiếp theo và hết)

Phải khẳng định rằng, việc các thôn, xã ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) là niềm vui lớn, là sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tuy nhiên, việc xem xét, quyết định ra khỏi vùng ĐBKK phải thực sự khoa học, chính xác, theo các tiêu chí cụ thể. Ngược lại, nếu 'chín ép' chỉ nhằm đạt thành tích thì sẽ khó bền vững và để lại nhiều hệ lụy.

Cần đánh giá toàn diện, thực chất

Xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) ra khỏi vùng ĐBKK là một kết quả đáng mừng, điều này sẽ góp phần tiếp tục làm thay đổi diện mạo địa phương và đời sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Đồng chí Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: “Được đưa ra khỏi danh sách vùng ĐBKK vui thì có vui, nhưng chúng tôi thấy rất áp lực bởi thực tế vẫn còn nhiều thách thức. Tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo vẫn còn cao, đường sá đi lại vẫn chưa hết khó khăn, điện lưới vẫn chập chờn, hệ thống thủy lợi chưa được kiên cố hóa hoàn toàn, học sinh không được hỗ trợ ăn bán trú nên bỏ học nhiều...”.

Để chứng minh cho lời nói của mình, đồng chí Phạm Nhật Quang đưa chúng tôi đi thực tế tại bản Tân Sơn nằm ở phía bên kia sông Luồng. Mặc dù đã ra khỏi danh sách vùng ĐBKK nhưng cả xã Sơn Điện vẫn chưa có một cây cầu tạm bắc qua sông Luồng. Người dân trong bản muốn qua sông để lao động sản xuất, sinh hoạt vẫn phải đi bè mảng hoặc cáp tự chế vô cùng nguy hiểm. “Chúng ta cần có một sự đánh giá toàn diện, thực chất, đặc biệt là đời sống của đồng bào. Nơi nào đủ điều kiện về vốn, về lực mới xem xét đưa ra khỏi danh sách vùng ĐBKK vì nếu không khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”, đồng chí Phạm Nhật Quang bày tỏ.

Người dân xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người dân xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) tích cực lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Từ thực tế có thể thấy, không ít địa phương tuy được đưa ra khỏi danh sách vùng ĐBKK nhưng vẫn còn rất khó khăn, người dân đón nhận tin này mà lo nhiều hơn mừng. Vì vậy, việc đưa các thôn, xã ra khỏi danh sách vùng ĐBKK cần phải thực chất, chính xác, tuân thủ đúng các tiêu chí, tiêu chuẩn, không vì thành tích mà bắt "chín ép".

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) cho biết: “Việc đưa ra khỏi danh sách vùng ĐBKK là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nên phải thực hiện đúng, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, không nên quá cầu toàn, nóng vội mà phải bảo đảm sát thực tiễn từng địa phương; cũng không nên máy móc áp chỉ tiêu từ trên xuống, tạo áp lực cho cơ sở, trong khi các tiêu chí chưa đạt. Mặt khác, cần xem xét có quy định đối với các xã ra khỏi danh sách vùng ĐBKK vẫn tiếp tục được thụ hưởng các chính sách ưu đãi trong một thời gian - ví dụ 1 năm, để người dân có thời gian thích nghi, có thêm điều kiện nỗ lực phát triển kinh tế gia đình...”.

Không trông chờ, ỷ lại

Trong khi chờ Nhà nước có những chính sách mới, bổ sung để hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều địa phương sau khi ra khỏi danh sách vùng ĐBKK đã có những giải pháp linh hoạt để giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đã tập trung kêu gọi các cá nhân, tổ chức từ thiện hỗ trợ bữa ăn bán trú để các em học sinh yên tâm tiếp tục đến trường.

Thầy giáo Đặng Xuân Viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân cho biết: “Để gần 300 học sinh của trường được ăn bán trú, nhà trường kêu gọi các tổ chức thiện nguyện, cán bộ, giáo viên, các cá nhân có tấm lòng hảo tâm chung tay góp sức mua đồ dùng bán trú và hỗ trợ gạo cho các em, phụ huynh chỉ cần đóng góp một phần. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, không bền vững. Chúng tôi mong muốn các bộ, ban, ngành, cơ quan chức năng sớm có chính sách, quy định phù hợp với thực tế địa phương, đặc biệt là chính sách hỗ trợ bữa ăn cho các trường có học sinh bán trú tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”.

Bữa ăn bán trú của các em học sinh địa bàn đặc biệt khó khăn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Bữa ăn bán trú của các em học sinh địa bàn đặc biệt khó khăn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Nhằm duy trì, phát triển tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), các huyện khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa đã tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực. Như tại huyện Quan Sơn, ngoài mở rộng các đại lý BHYT, cơ quan BHXH huyện đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn ban chỉ đạo, giao chỉ tiêu phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT cho từng xã và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện mục tiêu này.

Cũng phải thừa nhận rằng, tình trạng người dân chưa tham gia BHYT, nhất là với đối tượng thuộc diện Nhà nước hỗ trợ đóng một phần thay vì hỗ trợ 100% như trước đây, không hoàn toàn do nguyên nhân điều kiện kinh tế khó khăn mà còn do chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT, hoặc do còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại... Thực tế có những hộ gia đình ít nhân khẩu mà chúng tôi có dịp khảo sát, số tiền tham gia BHYT cho cả nhà chỉ khoảng 700.000 đồng/năm, nhưng bà con không mặn mà, lý do không phải vì kinh tế khó khăn mà từ tư tưởng, nhận thức. Vì vậy, công tác nắm bắt thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của người dân từ đó tuyên truyền để bà con hiểu, đồng thuận là rất quan trọng.

Khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được ban hành, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từng xảy ra vụ việc người dân tại một số xã của các huyện: Văn Quan, Lộc Bình, Đình Lập... do chưa hiểu đúng về chính sách của Nhà nước nên đã tập trung đông người để kiến nghị, thắc mắc. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đoàn thể, lực lượng chức năng vào cuộc để tuyên truyền, giải thích, lắng nghe kiến nghị của bà con về quy định và sự điều chỉnh chính sách.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vi Minh Tú, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Để có được sự đồng thuận của người dân, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại cơ sở. Đội ngũ trưởng thôn tích cực phổ biến, quán triệt về việc thực hiện chính sách đến từng hộ dân để người dân kịp thời nắm bắt được các chính sách mới, từ đó nỗ lực lao động sản xuất, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

Trả lời đại biểu Quốc hội ở phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV ngày 6-6-2023 về việc nhiều hộ gia đình ở vùng nghèo không muốn thoát nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Có tình trạng tuy đã thoát nghèo nhưng thực tế đời sống của bà con vẫn rất khó khăn, thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không còn sự hỗ trợ từ chính sách.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm nhằm bảo đảm người dân thoát nghèo bền vững, đủ điều kiện tối thiểu để yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, có ý chí nỗ lực, tự giác vươn lên...

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ra-khoi-vung-dac-biet-kho-khan-dung-de-lo-nhieu-hon-mung-bai-3-chin-ep-se-kho-ben-tiep-theo-va-het-778897