Đại biểu Phạm Thúy Chinh: 'Việc gia hạn trả nợ và tái cấp vốn cho Vietnam Airline thể hiện trách nhiệm của Nhà nước'

BHG - Chiều 25.6, tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chia tổ thảo luận về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024; phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17.11.2020 của Quốc hội. Tại tổ 6, đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã thảo luận một số ý kiến vào 2 nội dung trên.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận

Về tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ đối với Việt Nam Airline (VNA) theo Nghị quyết số 135, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng: Trong giai đoạn 2020 - 2023, dịch Covid – 19 và xung đột giữa Nga - Ukraina đã tác động, ảnh hưởng lớn tới thị phần và thị trường hoạt động của VNA. Quốc hội, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế cho nhiên liệu bay áp dụng từ năm 2021 đến nay. Các giải pháp, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra đã được Chính phủ triển khai quyết liệt; VNA cũng thực hiện cắt giảm nhiều chi phí và cơ cấu lại đội ngũ nhân lực... Đến đầu năm 2024, hoạt động của VNA đã bắt đầu có lãi.

Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê về số nợ và cơ cấu nợ của VNA, hiện tại điều kiện của VNA vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc gia hạn trả nợ và tái cấp vốn cho VNA là rất cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước; nếu VNA không được gia hạn nợ và tái cấp vốn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy kéo theo. Đại biểu cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài VNA phải có đề án, chiến lược tổng thể về tái cơ cấu, cải cách, đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp trong thời gian tới, lấy hình mẫu của Hãng hàng không Quốc gia Singapore để có chiến lược, giải pháp cho hoạt động kinh doanh cho phù hợp.

Về các nội dung cải cách tiền lương, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng: Với việc thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1.7 này, cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội thấy rất phấn khởi; giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan khác. Đại biểu đặt câu hỏi: Trong bối cảnh hiện tại, nghị quyết của Đảng về cải cách tiền lương có còn phù hợp hay không? Do đó đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu và có chính sách mới, khả thi, phù hợp với tình hình hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp hữu hiệu kiềm chế lạm phát khi thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1.7 để không làm ảnh hưởng tới những chỉ tiêu, mục tiêu Quốc hội đã đặt ra từ nay tới cuối năm.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh cũng cho rằng: Trong tờ trình của Chính phủ về việc sử dụng nguồn ngân sách tiết kiệm thực hiện cải cách tiền lương để chi cho công tác an sinh xã hội và tinh giản biên chế, nhất là tinh giản biên chế là không hợp lý. Theo đại biểu, nguồn kinh phí này chỉ có thể chi cho các khoản có tính chất lương. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần giải trình, làm rõ vì sao đưa nội dung sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho tinh giản biên chế. Đồng thời đề nghị ngân sách nhà nước cân đối từ các nguồn khác để chi cho tinh giản biên chế.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202406/dai-bieu-pham-thuy-chinh-viec-gia-han-tra-no-va-tai-cap-von-cho-vietnam-airline-the-hien-trach-nhiem-cua-nha-nuoc-99556f9/