Ra khỏi vùng khó, còn đó nhiều nỗi lo... (Bài cuối): Mong mỏi từ chính sách mới

Trong khó khăn do tác động từ Quyết định 861 và Quyết định 612, ở nhiều nơi đã xuất hiện cách làm hay, cho hiệu quả thiết thực ban đầu, mà câu chuyện ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư (Quan Sơn) là một điển hình.

Một giờ học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Hà (Quan Sơn). Ảnh: Đỗ Đức

Giai đoạn 2021-2025, thị trấn Sơn Lư còn 2 bản đặc biệt khó khăn (bản Hao và bản Bìn) với 62 học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ bán trú thay vì 140 học sinh ở giai đoạn trước. Trong số học sinh không còn được hưởng chính sách bán trú, nhiều em ở cách trường từ 15 - 18 cây số (bản Sỏi), bố mẹ phải đi làm ăn xa không người đưa đón,... nên đứng trước nguy cơ bỏ học giữa chừng, trong khi nhiều phòng ở bán trú của nhà trường bỏ không. Trước thực trạng này, ban giám hiệu nhà trường đã phối hợp với cấp ủy chi bộ bản đến từng hộ gia đình vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp mỗi tháng khoảng 400 nghìn đồng cho con em tiếp tục được ở bán trú học tập. Nhà trường cũng tổ chức vận động các hộ gia đình kinh tế khá trên địa bàn ủng hộ thêm gạo ăn cho các cháu hàng tháng. Vậy nên, trong năm học 2022-2023, đã có 18 học sinh ở xa được đến trường bán trú.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sơn Lư Lê Duy Dũng cho biết: Cùng với vận động phụ huynh đóng góp một phần chi phí cho con em bán trú, nhà trường đã tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đa dạng hóa các hoạt động giáo dục để tạo hứng thú cho học sinh, như việc mời nghệ nhân trên địa bàn đến truyền dạy các nghề truyền thống... Theo kế hoạch, trong kỳ nghỉ hè tới đây, nhà trường tiếp tục vận động phụ huynh ở các bản xa còn lại trên địa bàn đồng ý cho con em đến trường học tập bán trú.

Trong phát triển tỷ lệ người dân tham gia BHYT, cách làm của các huyện Quan Hóa và Thường Xuân cũng đang mang lại hiệu quả thiết thực. Theo ông Lê Công Ứng, Giám đốc BHXH huyện Thường Xuân: “Việc tổ chức hội nghị tuyên truyền ở nhà văn hóa thôn, bản đã không còn mang lại nhiều hiệu quả, mà cần phải đến từng nhà vận động thì người dân mới hiểu rõ và tham gia BHYT. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện, chúng tôi tin huyện Thường Xuân sẽ sớm hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong năm”.

Còn tại huyện Quan Hóa, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2023-2025, huy động cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc. Theo ông Nguyễn Mậu Nhã, Giám đốc BHXH huyện Quan Hóa, tính đến ngày 13-5-2023, huyện Quan Hóa đã đạt 90% tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Huyện sẽ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giao tỷ lệ người dân tham gia BHYT năm 2023 đạt 95,15% trong tháng 6.

Từ thực tiễn cho thấy, việc đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động người dân tham gia BHYT bảo vệ sức khỏe bản thân, hay vận động phụ huynh tự nguyện cho học sinh quay trở lại trường học bán trú khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, ở nhiều địa phương trong thời gian qua thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động và sự năng động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, các xã, thôn, bản thuộc diện không chỉ bị tác động bởi chính sách hỗ trợ BHYT hay hỗ trợ học sinh bán trú mà còn bị ảnh hưởng của 8 chính sách khác. Trong số này nhiều chính sách đang tác động rất lớn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, học sinh và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, như: Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8-10-2019 của Chính phủ; chính sách phát triển giáo dục mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8-9-2020 của Chính phủ... Vậy nên, việc hỗ trợ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc diện trong giai đoạn 2021-2025 là điều cần thiết và nên làm. Nhưng hỗ trợ thế nào lại là chuyện không hề dễ và càng không phải chuyện một sớm một chiều. Bởi vì nếu có hỗ trợ tất cả 74 xã vừa thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn sẽ cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi điều kiện nguồn ngân sách tỉnh còn hạn hẹp. Mặt khác, quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 01/2021/UBTVQH ngày 1-9-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022, trong thời kỳ ổn định ngân sách không ban hành chính sách mới làm tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn tài chính đảm bảo. Hiện tại, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 do tỉnh quản lý đã được HĐND tỉnh phân bổ cụ thể cho các chương trình; nghị quyết về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 và ổn định đến năm 2025 của tỉnh cũng đã được HĐND tỉnh thông qua. Do đó, việc bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ đồng bộ các xã, thôn, bản trên sẽ rất khó khăn.

Trong khi đó, việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề cho người lao động,... ở vùng đồng bào DTTS&MN nói chung đã được Nhà nước hỗ trợ tại nhiều chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.

Tin vui là, trong lúc UBND tỉnh đang nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ 74 xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 378/QĐ-TTg ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Theo đó, Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Đề án hỗ trợ giáo dục học tập theo vòng đời cho học sinh DTTS tại vùng đồng bào DTTS&MN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6-2023; giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng DTTS&MN, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ), báo cáo Chính phủ trong tháng 12-2023; giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng nghị định về cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng người tài trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp, trong đó nghiên cứu nội dung liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức người đồng bào DTTS&MN, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Quyết định số 378/QĐ-TTg ra đời đã đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi từ thực tế đời sống xã hội ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2022 nhưng không thuộc diện giai đoạn 2021-2025. Và rồi đây sẽ có những chính sách mới hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị ảnh hưởng, mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng, trước mắt cấp ủy, chính quyền các địa phương bị tác động sâu từ Quyết định 861 và Quyết định 612 cần tích cực, chủ động tìm giải pháp tạm thời để hạn chế những khó khăn. Song về lâu dài, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, trong đó có đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực phục vụ phát triển giáo dục...

Xét về bản chất, Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 861 - PV) và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16-9-2021 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Quyết định 612 - PV) là văn bản pháp lý phân định vùng đồng bào DTTS&MN thành 3 khu vực theo trình độ phát triển, tạo cơ sở quan trọng cho việc hoạch định, tổ chức thực hiện chính sách tập trung đầu tư, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện tốt hơn cho đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là giáo dục, y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đây là bước tiến lớn trong công tác quản lý Nhà nước, bởi từ năm 1996 đến nay, đây mới là lần thứ 5 vùng DTTS&MN được phân định thành 3 khu vực theo trình độ phát triển tương ứng với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn, bao gồm các giai đoạn: 1996-2005, 2006-2010, 2011-2015, 2016-2020 và 2021-2025.

Đỗ Đức

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/ra-khoi-vung-kho-con-do-nhieu-noi-lo-bai-cuoi-mong-moi-tu-chinh-sach-moi/186167.htm