Rà kỹ, đánh bắt hiệu quả tội phạm 'ngoại' trốn truy nã

Từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 8-2019, qua kênh hợp tác song phương, Bộ Công an Trung Quốc đã đề nghị Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ truy bắt, bàn giao 151 đối tượng truy nã người Trung Quốc có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam.

Đặc biệt, riêng từ tháng 5 đến tháng 7-2019, các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương đã phát hiện 3 vụ, bắt giữ 585 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sử dụng công nghệ cao tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia.

Những con số này thể hiện quyết tâm của lực lượng Công an Việt Nam, vừa chủ động, vừa phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực tăng cường rà soát, phát hiện, bắt giữ kịp thời đối tượng nước ngoài trốn truy nã, hoạt động phạm tội.

Bắt… “hàng rổ” tội phạm trốn truy nã

Theo tổng hợp của đơn vị chức năng Bộ Công an, đến thời điểm này của năm 2019, “mẻ lưới” lớn nhất bắt giữ đối tượng người Trung Quốc trốn truy nã sang Việt Nam, là do Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng các lực lượng chức năng thực hiện.

Lực lượng chức năng Việt Nam bàn giao đối tượng người Trung Quốc trốn truy nã

Lực lượng chức năng Việt Nam bàn giao đối tượng người Trung Quốc trốn truy nã

Ngày 5-1-2019, qua công tác nghiệp vụ cũng như phản ánh của nhân dân, lực lượng CATP Móng Cái đã tiến hành kiểm tra hành chính ngôi nhà trên phố Trần Quý Cáp thuộc khu 7, phường Hải Yên, phát hiện và bắt giữ đối tượng Lương Kiệt Cường (SN 1990 trú tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) liên quan đến hành vi bắt giữ người trái pháp luật; đồng thời, giải cứu nạn nhân Mã Vũ Điền (SN 1972 trú tại Bắc Kinh, Trung Quốc).

Tiếp theo đó, tại ngôi nhà 18 trên phố Yết Kiêu thuộc phường Ka Long, Công an TP. Móng Cái bắt giữ 3 đối tượng trốn truy nã là Tiêu Lực Tuấn (SN 1989 trú tại tỉnh Hồ Bắc), Tưởng Vận Thành (SN 1990 trú tại tỉnh Liêu Ninh) và Đổng Hạo (SN 1988 trú tại tỉnh Niêu Linh).

Mở rộng vụ việc, lực lượng Công an tiến hành kiểm tra hành chính một ngôi nhà tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu 7, phường Hải Yến, phát hiện 4 đối tượng truy nã đều mang quốc tịch Trung Quốc, do liên quan đến hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và bắt giữ người trái luật xảy ra ở bên kia biên giới. Sau khi xác minh, phân loại, Công an Quảng Ninh đã lần lượt bàn giao các đối tượng trốn truy nã cho Công an Trung Quốc để điều tra theo thẩm quyền.

Một đối tượng người Trung Quốc bị truy nã về tội Cướp tài sản, trốn sang Việt Nam và nhanh chóng bị bắt giữ

Một đối tượng người Trung Quốc bị truy nã về tội Cướp tài sản, trốn sang Việt Nam và nhanh chóng bị bắt giữ

Không chỉ phát hiện, bắt giữ đối tượng người Trung Quốc có hành vi phạm tội, trốn sang địa bàn tỉnh, các lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh còn chủ động nắm bắt, xử lý triệt để thông tin liên quan đến tội phạm “ngoại”, ngay cả khi đối tượng không tá túc ở địa bàn.

Giang Hải (SN 1994, trú tại TP Hồng Giang, tỉnh Hồ Nam) và (Viên Kỳ, SN 1995, trú tại TP Hồng Giang), đó là 2 kẻ trốn truy nã đã sa lưới bởi ý thức trách nhiệm và biện pháp nghiệp vụ sắc sảo của Công an Quảng Ninh. Chuyên án bắt giữ cặp đôi này khởi phát từ công văn hợp tác điều tra của Cục Công an TP Đông Hưng (Trung Quốc) gửi CATP Móng Cái.

Bằng biện pháp nghiệp vụ, CATP Móng Cái nắm được cặp đôi này sau khi di chuyển qua nhiều địa phương, hiện đang tá túc tại TP. Đà Nẵng, và 1 tổ công tác đặc biệt đã nhanh chóng di chuyển vào Đà Nẵng, phối hợp với Công an cơ sở truy lùng, bắt giữ thành công cả 2 đối tượng.

Mới đây nhất, Công an tỉnh Lạng Sơn phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã phát hiện, bắt giữ 4 đối tượng quốc tịch Trung Quốc là Dương Khánh Phong (SN 1985), Nông Khánh Toàn (SN 1982), Hoàng Vĩnh Cường (SN 1967), Dương Văn Tiến (SN 1986), khi đang lẩn trốn trên địa bàn TP. Lạng Sơn. Trước đó, Bộ công an Việt Nam nhận được công hàm trao đổi của Công an Trung Quốc đề nghị phối hợp bắt giữ 4 đối tượng đang có lệnh truy nã đặc biệt, can tội buôn bán trái phép hàng hóa, buôn lậu các chất thải rắn. Sau khi thực hiện tội phạm, số đối tượng này đã tìm cách trốn sang Việt Nam, và chui lủi ở địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Công tác trao đổi thông tin chặt chẽ, đặc biệt với việc quản lý chặt chẽ địa bàn, rà dựng thường xuyên đối tượng nghi vấn, Công an tỉnh Lạng Sơn và lực lượng chức năng đã nhanh chóng bắt giữ 4 kẻ trốn truy nã nêu trên.

Đánh mạnh tội phạm ngay từ các tuyến biên giới

Theo Cục nghiệp vụ Bộ Công an, từ ngày 1-1-2019 đến ngày 25-8-2019, qua kênh hợp tác song phương, Bộ Công an Trung Quốc đã đề nghị Bộ Công an Việt Nam hỗ trợ truy bắt, bàn giao 151 đối tượng truy nã người Trung Quốc có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam.

Các đối tượng này chủ yếu phạm tội về kinh tế (lừa đảo hợp đồng, huy động vốn trái phép, khai khống hóa đơn thuế giá trị gia tăng, kinh doanh trái phép, trốn thuế, buôn lậu); về hình sự (bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích...) và sử dụng công nghệ cao. Ngoài ra, từ tháng 5 đến tháng 7-2019 các đơn vị nghiệp vụ và Công an địa phương đã phát hiện 3 vụ, bắt giữ 585 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sử dụng công nghệ cao tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia.

Hàng trăm đối tượng tội phạm, trốn truy nã người Trung Quốc trốn sang Việt Nam đã bị bắt giữ, từ đầu năm 2019 đến nay

Hàng trăm đối tượng tội phạm, trốn truy nã người Trung Quốc trốn sang Việt Nam đã bị bắt giữ, từ đầu năm 2019 đến nay

Từ thực tiễn công tác đấu tranh cũng như nắm bắt quy luật của tội phạm “ngoại”, Công an các tỉnh có tuyến biên giới và đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an xác định được tuyến đường nhập cảnh của các đối tượng bằng nhiều hình thức khác nhau, cả hợp pháp và bất hợp pháp. Đáng chú ý khi vào Việt Nam, các đối tượng chỉ khai nơi cư trú đầu tiên, còn các lần tiếp theo thì tìm cách khai báo gian dối nơi tạm trú nhằm mục đích trốn tránh sự quản lý của cơ quan chức năng Việt Nam. Thậm chí một số đối tượng truy nã người Trung Quốc còn mua, sử dụng hộ chiếu giả của các nước ASEAN (Malaysia, Myanmar, Campuchia) để nhập cảnh Việt Nam.

Nhìn nhận rõ cách thức “ẩn mình” của tội phạm “ngoại” trốn truy nã sang Việt Nam, cả những khó khăn, tồn tại chủ quan và khách quan trong công tác nắm thông tin, quản lý cư trú người nước ngoài…Cục nghiệp vụ đã đề xuất lãnh đạo Bộ Công an có ý kiến chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm chủ động phát hiện, xử lý các vụ việc, đối tượng người nước ngoài lợi dụng Việt Nam làm địa bàn hoạt động phạm tội.

Đồng thời, kịp thời phổ biến các phương thức thủ đoạn của băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài cho Công an các đơn vị, địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục phối hợp, trao đổi với Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát chặt chẽ biên giới đường bộ nhằm phát hiện, ngăn chặn người Trung Quốc, đặc biệt là tội phạm, nhập cảnh trái phép Việt Nam.

Hà Minh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/ra-ky-danh-bat-hieu-qua-toi-pham-ngoai-tron-truy-na/827016.antd