Ra mắt cuốn sách 'Trăm năm Trần Hữu Thung'
Ngày 22/1, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt sách 'Trăm năm Trần Hữu Thung', nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1923 - 2023).
Cuốn sách do Nhà xuất bản Nghệ An biên soạn và ấn hành, dày hơn 500 trang, gồm 2 phần. Trong đó, phần I là các tác phẩm của nhà thơ Trần Hữu Thung được tuyển chọn dựa trên hai cuốn "Tuyển tập" do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 1997 và Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 1998. Phần II là sưu tầm, tuyển chọn một số bài viết, bài thơ của các văn nghệ sỹ, nhà báo đã được đăng tải trên sách, báo về nhà thơ Trần Hữu Thung.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, nhà thơ Trần Hữu Thung là người có kiến thức uyên thâm, thông thạo cả chữ Hán và tiếng Pháp. Ông sớm thành công trong việc dùng ngòi bút sáng tác trở thành vũ khí tuyên truyền, đấu tranh... Sự kiện ra mắt sách lần này một lần nữa khẳng định giá trị trong sáng tác của ông và thế hệ của ông.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, con người và tác phẩm của nhà thơ Trần Hữu Thung là sự song hành đẹp đẽ. Ông đã sống và dâng hiến hết mình. Ông để lại những tác phẩm lớn, trong đó một tác phẩm bằng ngôn ngữ trong văn, thơ và một tác phẩm nữa là chính cuộc đời ông - một con người bình dị, chân thực, thẳng thắn, mãnh liệt và đầy dâng hiến. Nhà thơ Trần Hữu Thung là một nhân vật đặc biệt trong vùng đất đặc biệt. Ông đã làm ra những vẻ đẹp đặc biệt trong sáng tạo thi ca và trong đời sống của ông. Những bài thơ của ông viết dù đã rất lâu, nhưng khi đọc lại vẫn chứa đựng những giá trị tư tưởng của thời đại.
"Hình ảnh và con người Trần Hữu Thung cũng như đời sống của ông, sáng tạo của ông lại trở nên giá trị vô cùng trong đời sống đương đại của chúng ta hiện nay", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, các sáng tác của Trần Hữu Thung đã cho người đọc hôm nay thâm nhập cuộc kháng chiến vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, hậu phương thứ 2 của cả nước thời 9 năm kháng chiến chống Pháp, giúp chúng ta hiểu hơn một thời kỳ con người vùng đất này đã sống, cống hiến, hy sinh xương máu cho nước nhà.
"Trần Hữu Thung là người tìm ra con đường riêng, từ kết tinh của văn học dân gian, không khí thời đại, để lại cho đời sau một di sản quý báu. Những đóng góp này xứng đáng để Trần Hữu Thung trở thành một tiêu biểu của văn học Việt Nam", nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Nhà thơ Trần Hữu Thung được sinh ra tại làng Trung Phường, xã Diễn Minh (nay là xã Minh Châu), Diễn Châu, Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ sớm. Năm 1945, khi mới 22 tuổi, Trần Hữu Thung trở thành Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, Trưởng Ban Quân sự xã Diễn Minh. Ông Trần Hữu Thung là một trong những người sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hội trưởng Hội Văn nghệ Nghệ - Tĩnh. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đợt I, năm 2001.
Nhà thơ Trần Hữu Thung có phong cách một nhà thơ dân gian. Một số tác phẩm thơ chính của ông: "Cò trắng phát thanh" (1948), "Đông tháng Tám" (1955), "Dặn con" (1955), "Ngày thu ấy" (1957), "Chị Minh Khai" (1961), "Gió Nam" (1962), "Đất quê mình" (1971), "Tiếng chim đồng" (1975), "Anh vẫn hành quân" (1983), "Sen quê Bác" (1987)…
Sau này ông còn có các tác phẩm về văn hóa dân gian như: "Vè Nghệ Tĩnh" (1964); "Ca dao về Bác Hồ" (sưu tầm, 1970); "Hát ru" (1987); "Chuyện trạng xứ Nghệ" (1987); "Kho tàng truyện cổ dân gian xứ Nghệ" (soạn chung, 1993)… Trong đó "Thăm lúa" ông sáng tác năm 1950 là một bài thơ tiêu biểu, phản ánh đời sống của nhân dân. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên đạt giải thưởng văn học quốc tế (Bằng "Lauria" và Huy chương Vàng giải thưởng quốc tế tại Liên hoan Thanh niên thế giới tại Bucharest, Romania năm 1953).