Ra mắt mạng lưới phóng viên, nhà báo điều tra phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái phép

Ngày 13/6, tại hội thảo 'Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng chống buôn bán động vật hoang dã trái phép', Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ra mắt mạng lưới phóng viên, nhà báo điều tra phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo đó, mạng lưới phóng viên, nhà báo điều tra về phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật (Mạng lưới) là một nhóm sinh hoạt chuyên môn tự nguyện, phi chính trị, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định về thành lập hội, nhóm của pháp luật Việt Nam, bao gồm các nhà báo, phóng viên độc lập, có chuyên môn hoặc quan tâm về hoạt động điều tra, viết bài về nội dung chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Thông qua sự hỗ trợ về kỹ thuật từ Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Mạng lưới sẽ là không gian, cầu nối để các nhà báo, phóng viên cùng chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực, hỗ trợ và phối hợp thực hiện các hoạt động báo chí, truyền thông, góp phần ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật tại Việt Nam. Qua đó nhằm vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành Trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Bên cạnh đó, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến động vật hoang dã thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc CITES Việt Nam (đơn vị quản lý thực hiện Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) chia sẻ, Việt Nam có sự đa dạng sinh học phong phú với hơn 11.400 loài thực vật bậc cao; 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, trên 900 loài chim, 120.000 loài côn trùng; 700 loài cá nước ngọt, 2.458 loài cá biển đã được xác định.

Tuy nhiên, giờ đây Việt Nam được biết đến như là một nơi có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng cao. Có 407 loài động vật vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới.

Theo ông Vương Tiến Mạnh, nguyên nhân là bởi tình trạng buôn bán động, thực vật hoang dã vì mục đích thương mại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Hàng năm, lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục vụ buôn bán động vật hoang dã; trong đó có các đường dây buôn bán chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, mức độ ưu tiên kiểm soát buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã chưa cao ở một số cơ quan, địa phương; năng lực điều tra, nhận dạng, áp dụng công nghệ, chia sẻ thông tin ở nhiều cán bộ thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế… Đặc biệt còn hạn chế trong truyền thông, tuyên truyền.

Ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam tin rằng, Mạng lưới sẽ góp phần tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo tồn động vật hoang dã, lên án các hành vi trái pháp luật trong săn bắn, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã.

Theo chinhphu.vn

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202306/ra-mat-mang-luoi-phong-vien-nha-bao-dieu-tra-phong-chong-buon-ban-dong-vat-hoang-da-trai-phep-981785/