Ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 và đẩy mạnh tín dụng trên địa bàn
Chiều 4-4, tại Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức công bố quyết định, ra mắt Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 và hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực 7. Hội nghị do đồng chí Phạm Quang Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 gồm 4 tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa; trụ sở Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 đặt tại Thanh Hóa.
Ngày 1-3-2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các Quyết định điều động, bổ nhiệm nhân sự Khu vực 7, cụ thể: Ông Trần Thế Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7; các Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 bao gồm: Ông Tống Văn Ánh, ông Đặng Văn Kim, ông Nguyễn Văn Khiết, ông Ngô Lam Sơn.
Tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng đã trao quyết định cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 cùng các trưởng, phó phòng.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng trao quyết định cho Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7.
Bốn tỉnh trên địa bàn Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 (Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa) thuộc vùng Bắc Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, thuộc hành lang kinh tế Bắc - Nam, có vị trí chiến lược nằm trên trục giao thông quan trọng nối miền Bắc và miền Trung, thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh tín dụng ngân hàng. Đến cuối tháng 3-2025, dư nợ của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 ước đạt hơn 561.000 tỷ đồng, tăng khoảng 1,2% so với cuối năm 2024, chiếm khoảng 3,5% dư nợ tín dụng toàn quốc.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng cho biết, vốn huy động tại Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 mới chỉ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn, trong đó có một số tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 68% đến 70%. Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, đặc biệt là những diễn biến mới xảy ra gần đây khi mà Chính phủ Mỹ đã áp dụng mức thuế rất cao đối với một số quốc gia, trong đó đặc biệt là Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong năm nay ở mức 16% nhằm góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước ở mức tối thiểu là 8% và của 4 tỉnh khu vực từ 10,5-12%, đòi hỏi toàn ngành ngân hàng nói chung và Khu vực 7 nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh kết nối nhu cầu tín dụng, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn vướng mắc và có giải pháp xử lý kịp thời hiệu quả.
Bà Trần Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lương thực Hà Nam đề xuất, ngành ngân hàng tiếp tục duy trì các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cũng như thời gian vay cho doanh nghiệp với đặc thù ngành nghề có tính chất mùa vụ và sự biến động giá cả lớn trong giai đoạn thu mua lương thực. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm gánh nặng tài chính, bảo đảm cân đối cung cầu lúa gạo trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững.
Các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục nâng cao việc sử dụng công nghệ số trong hồ sơ tín dụng, áp dụng các công nghệ mã hóa dữ liệu, công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để bảo mật giao dịch và thông tin khách hàng. Góp phần nâng cao tính minh bạch, giảm nguy cơ giả mạo và tối ưu hóa quy trình xử lý tín dụng, nâng cao hơn nữa các tiện ích trong các phương thức giao dịch giữa ngân hàng và doanh nghiệp.