Ra mắt sách hướng dẫn kỹ thuật bảo đảm chất lượng không khí trong nhà
Ngày 10/4, tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội, sẽ diễn ra lễ công bố sách 'Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và vận hành công trình đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo TCVN 13521:2022'. Đây được coi là 'Cẩm nang kiến tạo một cuộc sống xanh hơn'. Trước đó, lễ công bố sách tương tự đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cung cấp những kiến thức chuyên sâu
Chất lượng không khí trong nhà (IAQ) có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống của cư dân. Theo các chuyên gia, hiện nay tại Việt Nam mức độ ô nhiễm không khí trong nhà thường cao hơn môi trường bên ngoài từ 5 - 10 lần. Do đó việc kiểm soát và cải thiện IAQ là yêu cầu cấp thiết đối với ngành Xây dựng và thiết kế công trình.

Tài liệu “Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và vận hành công trình đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo TCVN 13521:2022”.
Sách “Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và vận hành công trình đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo TCVN 13521:2022” được biên soạn bởi Bộ Xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam. PGS.TS Phạm Thị Hải Hà và TS. Nguyễn Thành Trung đồng chủ biên.
Sách nhằm cung cấp những kiến thức chuyên sâu, cập nhật và thực tiễn nhất để hỗ trợ các kỹ sư, kiến trúc sư, chủ đầu tư đảm bảo môi trường sống và làm việc trong lành, nâng cao chất lượng không khí trong công trình.
Sách đồng thời cung cấp các tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật và phương pháp đánh giá mới nhất nhằm hỗ trợ các đơn vị thiết kế, thi công và vận hành công trình tuân thủ theo TCVN 13521:2022, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về sức khỏe và môi trường.
Sách gồm 7 chương. Trong đó, Chương 1, tổng quan về chất lượng không khí trong nhà và sức khỏe con người. Chương 2, yêu cầu chất lượng không khí trong nhà trong TCVN 13521:2022 và các yếu tố liên quan. Chương 3, hướng dẫn chung trong thiết kế, thi công và vận hành công trình để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà. Chương 4, hướng dẫn thiết kế, lựa chọn vật tư thiết bị để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà và hiệu quả năng lượng. Chương 5, hướng dẫn quản lý hoạt động thi công để đạt mục tiêu chất lượng không khí trong nhà.
Thúc đẩy lộ trình thực thi ESG trong xây dựng
Trong cuốn sách, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) tham gia biên soạn Phụ lục D - Danh sách sản phẩm vật liệu phát thải ô nhiễm thấp, cung cấp thông tin hữu ích về các vật liệu thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng không khí trong nhà và hướng đến phát triển bền vững.
VGBC hiện là tổ chức duy nhất tại Việt Nam có hệ thống đánh giá và chứng nhận vật liệu xây dựng xanh, đảm bảo rằng các sản phẩm trong danh mục đều đáng tin cậy, minh bạch.
Đặc biệt, VGBC chú trọng đến tiêu chuẩn phát thải VOC thấp, giúp bảo vệ sức khỏe người sử dụng và giảm ô nhiễm không khí trong nhà. Điều này là minh chứng cho việc VGBC thực sự quan tâm và thúc đẩy sự bền vững trong xây dựng và các công trình từ thiết kế tổng thể đến vật liệu và xây dựng, vận hành.

Các diễn giả tham luận trong lễ công bố sách “Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế, thi công và vận hành công trình đảm bảo chất lượng không khí trong nhà theo TCVN 13521:2022” tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuốn sách được đánh giá là bước tiến trên hành trình thực thi Bộ tiêu chuẩn đo lường phát triển bền vững (ESG) trong xây dựng tại Việt Nam.
Chủ nhiệm nhiệm vụ biên soạn tài liệu, GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng khẳng định: “Việc xây dựng tiêu chuẩn là bước quan trọng, nhưng cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể để triển khai hiệu quả. Cuốn sách Hướng dẫn kỹ thuật do các chuyên gia biên soạn, xem đây là tài liệu thiết thực cho kỹ sư, kiến trúc sư, nhà thiết kế, nhà đầu tư và người sử dụng công trình tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) chia sẻ: “Toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đều được Bộ Xây dựng cập nhật trên các phương tiện truyền thông của Bộ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ thông tin dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc biên soạn và ra mắt những cuốn sách này rất hữu ích cho người cần quan tâm đến lĩnh vực này”.
Ông Douglas Lee Snyder, Giám đốc điều hành VGBC nhận định: “Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một danh mục vật liệu phát thải thấp được xác nhận bởi các nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Xây dựng). Tôi đánh giá rất cao việc cơ quan chức năng đã có hành động cụ thể để thúc đẩy lộ trình thực thi ESG trong xây dựng, góp phần từng bước thực hiện mục tiêu NDC và tiến tới Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 như Chính phủ Viêt Nam đã cam kết tại COP26”.