Ra mắt Viện đào tạo lãnh đạo, quản trị và quản lý mang đặc sắc Việt Nam

Không chỉ là tổ chức đào tạo đầu tiên đặt sự quan trọng vào cả 3 trụ cột lãnh đạo, quản lý và quản trị, Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam còn là viện đầu tiên đưa trường phái Việt Nam vào 3 nền tảng này.

Khởi đầu hành trình trở thành viện quản lý độc đáo

Ngày 3/2, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - PTIT tổ chức lễ công bố nghị quyết thành lập và ra mắt Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam.

Sự kiện có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; các nhà giáo, nhà khoa học, học giả là chuyên gia của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cùng hơn 350 cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Học viện.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng tập thể Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tặng hoa chúc mừng tập thể Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Đây là sự kiện có ý nghĩa lớn, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức kiểu mới, với hy vọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị và quản lý của các doanh nghiệp và các tổ chức Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

“Đi đầu về cái mới đã làm nên thương hiệu của Học viện, làm nên sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của Học viện. Thành lập Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam của Học viện cũng là trên tinh thần này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, ngôi sao dẫn lối của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam là tạo nên các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam xuất sắc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, ngôi sao dẫn lối của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam là tạo nên các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam xuất sắc. Ảnh: Lê Anh Dũng

Người đứng đầu ngành TT&TT cũng mong muốn Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam sẽ trở thành một viện quản lý độc đáo nhất Việt Nam và không chỉ ở Việt Nam, gặt hái nhiều thành công và góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ nhân tài lãnh đạo và quản lý đặc sắc Việt Nam.

Chỉ rõ ngôi sao dẫn lối của Viện là tạo nên các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam xuất sắc, người đứng đầu ngành TT&TT cũng nhắn nhủ: “Ngôi sao thì hãy giữ lấy, còn lại là thay đổi, vừa làm vừa phát triển. Mỗi ngày tốt hơn một chút, hơn 1% thì sau 1 năm sẽ tốt hơn 38 lần. Với tinh thần này thì hãy bắt đầu từ ngày hôm nay, không cầu toàn. Cuộc sống luôn là người mách bảo sáng suốt nhất. Nhưng với điều kiện là phải đi, nhất là đi ở những chỗ chưa có lối”.

Clip giới thiệu về Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Nguồn: PTIT

Là người đề xuất ý tưởng và trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị cho sự ra đời Viện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích kỹ các yếu tố làm nên tinh thần, giá trị cốt lõi của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam, đó là: Đưa tinh hoa nhân loại về Việt Nam; sự gắn kết không thể tách rời của bộ 3 lãnh đạo, quản trị và quản lý; đặt chữ Việt Nam, trường phái Việt Nam vào 3 trụ cột này; cũng như giữ tinh thần của ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2 và ngày lập xuân trong xây dựng, phát triển Viện.

Tham dự trực tuyến từ điểm cầu Singapore, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, học giả quốc tế của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Singapore nhận định, sự ra đời của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam là một sự kiện đặc biệt, hối thúc về tầm nhìn, quả cảm về ý chí và thông tuệ về tương lai; đồng thời, ông cũng tin tưởng rằng Viện sẽ là nơi tụ hội và đào tạo nên những lãnh đạo Việt Nam tương lai, nhất là ở khu vực doanh nghiệp.

Phát triển các thế hệ nhân tài lãnh đạo và quản lý xuất sắc Việt Nam

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc PTIT khẳng định, sự ra đời Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam đánh dấu một hướng đi mới, tiên phong, chuyển mình đào tạo tinh hoa của Học viện trong thực hiện sứ mệnh “gây dựng và phát triển các thế hệ nhân tài lãnh đạo và quản lý xuất sắc Việt Nam”, vừa tiếp thu được tri thức cốt lõi của nhân loại, vừa có tư duy lãnh đạo, quản trị và quản lý đặc sắc Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm cùng lãnh đạo PTIT thực hiện nghi thức ra mắt Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Phan Tâm cùng lãnh đạo PTIT thực hiện nghi thức ra mắt Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Bên cạnh việc đào tạo các loại hình cấp độ eMBA, mini MBA, chứng chỉ hóa, Viện cũng sẽ hình thành kho tri thức có sự trợ giúp của AI và được cá thể hóa theo từng học viên suốt đời, tạo ra hệ sinh thái kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các học viên, nhà quản lý, doanh nghiệp và học giả trong ngoài nước; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, tư vấn mang tính đón đầu dẫn dắt về lãnh đạo, quản trị và quản lý cho các tổ chức và doanh nghiệp”, Phó Giáo sư Đặng Hoài Bắc cho hay.

Tại sự kiện, cùng với việc công bố Nghị quyết thành lập Viện, lãnh đạo PTIT cũng quyết định giao nhiệm vụ phụ trách, điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cho Tiến sĩ Đoàn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông I.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Đức, Trưởng khoa Tài chính Kế toán 1 được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động chuyên môn về đào tạo và khoa học của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện trao quyết định giao nhiệm vụ cho Tiến sĩ Đoàn Hiếu và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Đức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Giáo sư, Tiến sĩ Từ Minh Phương - Chủ tịch Hội đồng Học viện và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện trao quyết định giao nhiệm vụ cho Tiến sĩ Đoàn Hiếu và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Việt Đức. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đại diện lãnh đạo Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cam kết thời gian tới Viện sẽ không ngừng nghiên cứu, phát triển các tri thức mới; nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển những chương trình đào tạo có tính ứng dụng cao và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn.

Trao đổi với tập thể PTIT nói chung và Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong rằng các thầy cô luôn mang trong mình tinh thần ngày thành lập Đảng 3/2 để xây dựng và phát triển Viện, đó là: Tinh thần tiên phong, đi đầu, dẫn lối và khai phá; là tinh thần giải phóng; là tinh thần đưa Việt Nam có tên trên bản đồ thế giới sánh vai cường quốc; là tinh thần hy sinh vì sự nghiệp chung; là tinh thần dựng lên nghiệp lớn từ 2 bàn tay trắng; là tinh thần dựa vào dân, lấy dân làm gốc.

Cùng với yêu cầu dùng nhiều hơn công nghệ số trong giảng dạy, trang bị tư duy số cho lãnh đạo các doanh nghiệp và các tổ chức của Việt Nam, người đứng đầu ngành TT&TT cũng mong tập thể Viện thay đổi cách tiếp cận. Cụ thể, thay vì tập trung vào dạy kiến thức chung như trước đây, giờ đây khi một doanh nghiệp, tổ chức có một vấn đề về lãnh đạo, quản trị và quản lý, họ tìm đến Viện. Viện phải nghiên cứu để giải được vấn đề, bài toán của họ và sau đó, giảng cho doanh nghiệp, tổ chức về kết quả nghiên cứu kèm theo các kiến thức chung và đặc thù Việt Nam.

“Giáo viên bây giờ phải làm thêm một nghề mới, đó là nghề bác sĩ chữa bệnh. Và đây cũng là cách tiếp cận mới, độc đáo, riêng có của Viện. Chỉ có cách này thì "cây đời" mới mãi xanh tươi ở Viện Lãnh đạo, quản trị và quản lý Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu yêu cầu.

Vân Anh

Lê Anh Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ra-mat-vien-dao-tao-lanh-dao-quan-tri-va-quan-ly-mang-dac-sac-viet-nam-2368076.html