Ra quyết định dựa trên dữ liệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số

Đây là nội dung được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo Fintech 2025 'Chiến lược tài chính số cho doanh nghiệp' do Swinburne Vietnam phối hợp với Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) và các bên liên quan tổ chức.

Công nghệ tài chính ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống của người dân, doanh nghiệp

Công nghệ tài chính ngày càng gần gũi hơn với cuộc sống của người dân, doanh nghiệp

Tạo ra những thay đổi căn bản

Phát biểu tại Hội thảo, bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội khẳng định, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên chuyển đổi số mạnh mẽ, nơi công nghệ tài chính (Fintech) đã và đang tạo ra những thay đổi căn bản đối với hệ thống tài chính, ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế. Với vai trò vừa là công cụ, vừa là động lực, vừa là nền tảng để kinh tế số phát triển thì sự phát triển mạnh mẽ của fintech sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế số, và ngược lại, một nền kinh tế số trưởng thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho fintech bùng nổ.

Sự phát triển nhanh chóng của Fintech trong những năm gần đây là một biểu hiện sinh động của quá trình chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Các mô hình như thanh toán số, ví điện tử, cho vay ngang hàng (P2P lending), ngân hàng số, công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích tín dụng, cùng nhiều hình thức đổi mới sáng tạo khác đã và đang từng bước làm thay đổi căn bản cách thức cung ứng dịch vụ tài chính - ngân hàng truyền thống.

Là đơn vị tiên phong về AI và ứng dụng dữ liệu thông minh, bà Nguyễn Thị Ngoan - Công ty Cổ phần MISA (MISA), cho rằng AI không chỉ giúp doanh nghiệp phân tích dữ liệu tài chính một cách toàn diện, mà còn có thể hỗ trợ ra quyết định ở những cấp độ khó cao nhất. Bắt kịp xu hướng ứng dụng AI trong quản trị, MISA phát triển Trợ lý AI MISA AVA, tích hợp vào nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS. MISA AVA giúp doanh nghiệp truy vấn nhanh số liệu, báo cáo trực quan và phân tích chuyên sâu, tạo nền tảng vững chắc cho các quyết định chiến lược.

Đồng thời, với công nghệ AI và phân tích dữ liệu, MISA AVA còn phát hiện tức thời những bất thường trong các khoản chi phí, nhận diện và cảnh báo các rủi ro tiềm ẩn về tài chính, dự báo chỉ số quan trọng, hỗ trợ quản trị linh hoạt, tối ưu hiệu quả vận hành. Bên cạnh giải pháp AI giúp quản trị tài chính trong nội bộ, MISA còn phát triển nền tảng kết nối vay vốn MISA Lending được ứng dụng AI để chấm điểm tín dụng, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Hiện tại, hơn 5.000 doanh nghiệp đã được cấp hạn mức vay 25.000 tỷ đồng thông qua nền tảng AI của MISA, với tỷ lệ giải ngân thành công cao gấp 10 lần phương thức truyền thống.

Không chỉ vậy, các công nghệ Fintech ngày nay còn tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh cá thế. Ông Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối doạn nghiệp, Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY) khẳng định, doanh nghiệp nhỏ và vừa là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp hơn 40% GDP và hơn 50% lao động nên việc tạo tương lai số hóa cho khu vực này sẽ tạo nên nhiều thay đổi.

Thực tế cho thấy sức mạnh của doanh nghiệp nhỏ và vừa không còn chỉ đến từ quy mô hay kinh nghiệm mà còn đến từ tốc độ thích ứng và khả năng tận dụng công nghệ. Điều này càng được nhìn nhận rõ hơn khi VNPAY đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hành trình số hóa, tối ưu và tăng tốc với trọn bộ sản phẩm thanh toán và giải pháp kinh doanh toàn diện. Doanh nghiệp nhận thấy, ứng dụng AI, tự động hóa giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc tiếp cận khách hàng và cải thiện sản phẩm, dịch vụ; kết nối với các hệ sinh thái số để mở rộng thị trường , bao gồm cả thị trường xuyên biên giới; tăng tốc đổi mới mô hình kinh doanh từ sản phẩm đến cách vận hành, thích nghi với xu hướng mới.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

AI và dữ liệu - hai yếu tố then chốt

Cùng chung nhận định này, dẫn số liệu từ các báo cáo của IBM, Forbes và McKinsey, bà Nguyễn Thị Ngoan cho biết tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI trong quản trị đã tăng từ 33% năm 2022 lên đến 72% vào năm 2024. Đặc biệt, các doanh nghiệp áp dụng dữ liệu để ra quyết định có khả năng thu hút khách hàng cao gấp 23 lần so với các doanh nghiệp truyền thống.

Với những kết quả nổi bật trên, bà Phạm Thúy Chinh khẳng định, Fintech không chỉ mở rộng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân, nhất là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện hiệu quả vận hành, tiết giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh. Fintech cũng góp phần hình thành hệ sinh thái tài chính số minh bạch, linh hoạt và thân thiện với người dùng, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của Chính phủ.

Bên cạnh những tiềm năng to lớn, Fintech đang đặt ra nhiều thách thức về quản lý và yêu cầu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bắt kịp với tốc độ đổi mới công nghệ, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới mô hình kinh doanh mới, các rủi ro về an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu cá nhân, phòng chống rửa tiền và tội phạm công nghệ cao; bảo đảm sự cân đối giữa đổi mới sáng tạo và ổn định tài chính; củng cố lòng tin của người tiêu dùng; bảo đảm an ninh kinh tế, tài chính quốc gia..., bà Phạm Thúy Chinh khẳng định

Để doanh nghiệp sẵn sàng hơn trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Hữu Hiệu, Nhà đồng sáng lập, Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, ttrong kỷ nguyên số, nhu cầu thu thập, quản lý và khai thác dữ liệu chuyên nghiệp ngày càng cấp thiết. Có thể nói, dữ liệu và thông tin đã và đang trở thành vũ khí chiến lược giúp các doanh nghiệp tối ưu khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, trong giao thương- thương mại trong nước và quốc tế, FiinGroup đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện, đa chiều, chính xác về năng lực và sức khỏe của đối tác cũng như thông tin chuyên sâu về thị trường, theo từng chủ đề và chuyên ngành. Các dữ liệu về toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tại hơn 190 quốc gia được tích hợp trong nền tảng FiinGate đã hỗ trợ đắc lực cho việc tra cứu, truy vấn thông tin đối tác, đối chiếu với các bên liên quan, đánh giá năng lực và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, quản trị rủi ro và đánh giá tiềm năng thị trường.

Ngoài ra doanh nghiệp cần chú trọng đến việc ra quyết định dưới sự hỗ trợ của AI. Ông Nguyễn Hữu Hiệu phân tích, AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp quản lý điều chỉnh chiến lược giá dựa trên dữ liệu bán hàng theo vùng, hành vi khách hàng, tồn kho và giá đối thủ; đề xuất lịch nhập hàng tối ưu dựa trên dữ liệu bán hàng và xu hướng theo mùa – người dùng kiểm tra và điều chỉnh. Hệ thống AI cũng tự điều chỉnh giá bán, gửi email khuyến mãi theo từng phân khúc khách hàng tự động tối ưu chi phí quảng cáo – con người chỉ can thiệp khi có cảnh báo vượt ngưỡng…

“Để được những điều này lãnh đạo doanh nghiệp cần có hệ niềm tin, mức độ cởi mở với AI; sẵn sàng thích nghi, thử nghiệm và dẫn dắt sự thay đổi”, ông Nguyễn Hữu Hiệu khẳng định.

Hương Giang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ra-quyet-dinh-dua-tren-du-lieu-giup-doanh-nghiep-day-manh-chuyen-doi-so-167887.html