Rà soát bất cập, xử lý nghiêm vi phạm khu vực giao cắt với đường sắt
Lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm những vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm.
Tai nạn thương tâm
Liên tiếp các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong năm 2024 đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn giao thông đường sắt tại các vị trí lối mở
Mới đây nhất, tối ngày 28/7, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt thương tâm làm 2 người chết và 3 nạn nhân bị thương.
Cụ thể, nhân viên gác chắn đóng đường Phạm Văn Thuận (phường Thống Nhất), để đón tàu chạy từ Bắc vào Nam. Lúc này bất ngờ ô tô bán tải do người đàn ông cầm lái chở 1 phụ nữ và 2 cháu bé đi từ trong hẻm ra. Ô tô chạy tới khu vực giao cắt đường sắt để vào đường Phạm Văn Thuận thì bị tàu hỏa tông trúng.
Tai nạn khiến ô tô văng sang vỉa hè, va chạm vào một công nhân đang dọn rác khiến người này tử vong tại chỗ. Một bé trai trên xe rơi xuống đường, không qua khỏi. Tài xế và hai người còn lại bị thương nặng.
Tại hiện trường, phần đầu ô tô bán tải biến dạng, nhiều mảnh vỡ của xe văng xa khiến một số người đi bộ gần đó hoảng sợ, tìm cách thoát thân.
Đại diện Cục CSGT cho biết, hướng ô tô di chuyển từ đường dân sinh song song với đường sắt đi theo hướng ra đường Phạm Văn Thuận không có gác chắn. Khi tàu hỏa sắp tới, nhân viên trực chốt đã hạ barie, thổi còi báo hiệu nhưng ô tô vẫn chạy vào.
Vị trí đường ngang này giao cắt chéo với đường sắt, có 5 hướng lưu thông vào khu vực đường ngang. Trong đó chỉ 3 hướng có barie, khi đóng chắn đón tàu thì hở 2 hướng phía phải lý trình đường sắt, lối đi từ đường dân sinh gom vào.
Đáng nói, trước đó, tại thông báo kết luận vào tháng 6/2022, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề nghị địa phương phải tự gác phòng vệ tại hai vị trí này, vì có chiều rộng đường lớn hơn 3m, lưu lượng xe đông. Đồng thời giải tỏa hàng quán trong khu vực đường ngang nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi qua lại đường ngang.
Theo người dân địa phương ở gần nút giao trên, tình trạng xe máy, ô tô cố băng qua gác chắn xảy ra thường xuyên tại nút giao này, đặc biệt ở các đường không có gác chắn.
Liên quan đến vụ tai nạn đường sắt này, Cục CSGT đã chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt.
Đồng thời lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tăng cường xử lý nghiêm các hành vi không chấp hành các quy định khi đi qua đường ngang, vi phạm về bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, hành lang ATGT đường sắt… Mặt khác, cần rà soát các đường ngang dân sinh đi qua đường sắt không đảm bảo an toàn và đề xuất giải pháp khắc phục.
Các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân gây TNGT đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, khu vực không có gác chắn, vị trí nguy hiểm.
Các vi phạm cần tập trung xử lý như: vượt qua đường ngang khi đèn đỏ bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường khi qua đường ngang; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trong phạm vi đường ngang; người đi bộ vi phạm khổ giới hạn đường sắt…
Mục tiêu xóa lối đi tự mở
Theo thông tin từ Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên mạng lưới đường sắt quốc gia có 4.772 vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt.
Trong đó, có 1.510 đường ngang gồm: 677 đường ngang có người gác, 9 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 738 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động, 86 đường ngang phòng vệ bằng biển báo.
Về lối đi tự mở, còn đến 3.262 vị trí, chiếm tỉ lệ 68,3% tổng số giao cắt. Trước đó, bằng nhiều giải pháp, nguồn vốn từ trung ương, địa phương, từ tháng 12/2020 đến tháng 6/2024 đã xóa bỏ được 838 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm, giảm được 21,7%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024 xóa bỏ được 66 vị trí lối đi tự mở nguy hiểm.
Trên các tuyến đường sắt hiện còn tồn tại 4 điểm đen, giảm 1 điểm và 1.010 điểm tiềm ẩn có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, giảm 77 điểm so với thời điểm 31/12/2023.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã có văn bản đề xuất Bộ GTVT bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2026 - 2031 để thực hiện Dự án Xây dựng đường ngang, hầm chui để xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt.
Cục Đường sắt Việt Nam cho biết, dự án này xây dựng đường ngang, hầm chui kết hợp với hệ thống đường gom do các địa phương dọc tuyến đầu tư để xóa bỏ các lối đi tự mở theo đúng Quyết định 358/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt" (Đề án 358).
Tại Đề án 358, mục tiêu đặt ra bằng nhiều giải pháp, đến 2025 phải xóa bỏ hoàn toàn lối đi tự mở qua đường sắt. Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng mới 297 đường ngang và 149 hầm chui với tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng công trình này và các công trình phụ trợ khác như cầu vượt, hàng rào/đường gom... chưa được cấp thẩm quyền bố trí theo lộ trình.