Rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho rằng xử lý dứt điểm đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, đề nghị dự thảo cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định nêu tại khoản 5, Điều 160 của dự thảo luật.

Chiều 10/6, góp ý về giải thích từ ngữ tại điểm d, khoản 28, Điều 4 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định giải thích từ ngữ người có liên quan, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai đề nghị rà soát, đối chiếu với Điều 651 của Bộ Luật dân sự năm 2015 quy định về ba hàng thừa kế. Tại dự thảo luật mới quy định đến hai hàng thừa kế, như vậy còn thiếu hàng thừa kế thứ ba của cá nhân theo Bộ luật dân sự, gồm cụ nội, cụ ngoại.

Đại biểu cho biết, thực tế xảy ra nhiều trường hợp phát sinh người có liên quan trong hoạt động ngân hàng từ thừa kế. Do vậy, cần phải rà soát, bổ sung các đối tượng tại Điểm d, khoản 28, Điều 4 của dự thảo luật. Ngoài ra, cũng cần cân nhắc kế thừa thuật ngữ người có liên quan tại điểm c, khoản 203, Điều 4 của Luật doanh nghiệp năm 2020. Khái niệm trong Luật doanh nghiệp mang tính bao trùm, mô tả được bản chất về người có liên quan khi chi phối hoạt động của doanh nghiệp.

Đại biểu cũng cần bổ sung quy định về tập đoàn tài chính, nhóm công ty mẹ công ty con có tổ chức tín dụng là công ty mẹ, bởi Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về nhóm công ty, trong đó có quy định về tập đoàn kinh tế, nhóm công ty nhưng chưa rõ ràng và cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc thù có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nói chung nên cần quy định cụ thể về vấn đề này.

Để xử lý dứt điểm đối với các tổ chức tín dụng yếu kém, đại biểu đề nghị dự thảo cần rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quy định nêu tại khoản 5, Điều 160 của dự thảo luật theo hướng: quy định cụ thể các thời hạn, các phương án tương ứng trong trường hợp các tổ chức tín dụng không phục hồi được sau thời hạn đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Đại biểu cũng đề nghị rà soát, bổ sung Khoản 1, Điều 152 về thực hiện phương án khắc phục theo hướng yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện phương án khắc phục để đảm bảo được tính cấp thiết, hiệu quả của việc can thiệp sớm.

Dự thảo luật cũng cần xem xét, hướng dẫn quy định chuyển tiếp đối với việc định giá các ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 có hiệu lực, theo hướng cho phép chuyển nhượng phần vốn góp theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua và quy định phương pháp xác định giá chuyển nhượng phần vốn góp trong trường hợp này

Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính quy định tại dự thảo luật (Điều 188). Theo Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự thì trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 điều này có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Như vậy, việc hoàn trả tài sản đảm bảo cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp là đã có căn cứ pháp lý. Việc đẩy nhanh thời gian ra quyết định của các cơ quan tố tụng là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng, vì vậy cần được bổ sung, sửa đổi tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính công khai, khách quan, công bằng trong thi hành pháp luật...

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ra-soat-bo-sung-quy-dinh-ve-kiem-soat-dac-biet-to-chuc-tin-dung