Rà soát các điều kiện 'cần và đủ' để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện 'cần và đủ' để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Trình bày nội dung này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã nhận được 54/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với tổng số 665 lượt ý kiến.
Về phục hồi và phát triển kinh tế, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, xăng, dầu tiếp tục tăng…
Giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhất là những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định; công tác quản lý thương mại điện tử chưa chặt chẽ, ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Chiến phản ánh, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.
“Cử tri và nhân dân rất tin tưởng vào Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này”, ông Chiến nêu.
Về kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Chiến nhấn mạnh việc khẩn trương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhằm sớm giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sinh kế, an sinh xã hội… cho người dân.
Cùng với đó, tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị giải quyết đủ nước sinh hoạt cho người dân ở một số vùng khó khăn như ở vùng núi, vùng Tây Nam Bộ. “Đây là mặt hàng thiết yếu, cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước”, ông Chiến nói.
Bên cạnh đó, đề nghị tổng rà soát, tập hợp toàn bộ kiến nghị của cư dân ở các khu chung cư trong toàn quốc để nghiên cứu giải quyết thỏa đáng tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư, ban quản lý đang xảy ra phổ biến hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân, công khai minh bạch để cư dân giám sát.
Kiến nghị tiếp theo được ông Chiến đề cập là Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, báo cáo nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều như: việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể là việc giá các mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ; giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao; giá vé phương tiện giao thông cao ảnh hưởng đời sống sinh hoạt và khách du lịch.
Một số vấn đề khác được ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh là vấn đề an toàn lao động; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; an toàn thực phẩm; chất lượng phục vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, dịch vụ khám bệnh; tình trạng thông tin nhiễu loạn, chống phá trên không gian mạng; lừa đảo trên mạng xã hội...