Rà soát các khoản thu của Ban đại diện cha mẹ học sinh
Nếu nội dung nào không có trong quy định mà Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường thu chi thì sẽ bị xử lý và không có chuyện giải thể đơn vị này.
Chiều 13-10, tại cuộc họp báo định kỳ của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết dự kiến sắp tới sở sẽ lập các đoàn kiểm tra, đến các cơ sở giáo dục để giám sát vấn đề thu chi đầu năm, đặc biệt là thu chi của Ban đại diện cha mẹ học sinh (ban đại diện).
“Đoàn sẽ đi kiểm tra, đồng thời chỉ đạo Phòng GD&ĐT rà soát trong vấn đề thu chi của Ban đại diện phụ huynh học sinh của lớp, trường. Nếu nội dung nào không có trong quy định mà thu thì sẽ xử lý” - ông Minh nói.
Theo ông Minh, hiện nay có nhiều thông tin xuất phát không phải từ các cuộc họp phụ huynh mà từ các nhóm trên mạng xã hội. Một số phụ huynh tự đề xuất và lập ra các khoản thu chi, đề nghị đóng tiền, một số phụ huynh khác không đồng thuận nên phát tán thông tin. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến danh tiếng của trường, sở và Bộ GD&ĐT.
“Một số phụ huynh khi đi họp thì không có trao đổi gì nhưng khi ra khỏi buổi họp lại trao đổi một số nội dung gì đó để đề xuất đóng tiền, đề xuất danh sách và chụp ảnh đăng lên nhiều kênh, gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành giáo dục” - ông Minh trao đổi.
Chính vì vậy, theo ông Minh, Đảng ủy sở đã gửi văn bản đến các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp tuyên truyền, rà soát để kiểm tra, chấn chỉnh, tránh xuất hiện lạm thu trong nhà trường. Ông Minh cũng đề nghị cần làm rõ khái niệm quỹ lớp và vấn đề quỹ trong ban đại diện.
Ngân sách sẽ bù mức học phí tăng
Tại cuộc họp, ông Hồ Tấn Minh cho biết trong năm nay TP.HCM chính thức tăng học phí, tuy nhiên mức tăng đó sẽ do ngân sách TP bù vào. Sau khi có nghị quyết của HĐND TP, Sở GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Việc này sẽ đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục tốt cho học sinh và phụ huynh không phải chi thêm các khoản liên quan khác.
Trước ý kiến thắc mắc có nên giải thể ban đại diện, ông Minh cho biết ban đại diện đã được quy định trong Luật Giáo dục và là cầu nối gắn kết giữa nhà trường và gia đình. Do đó, ban đại diện sẽ không bị giải thể mà chỉ chấn chỉnh những hoạt động không đúng.
Được biết theo Thông tư 55/2011 ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, các khoản kinh phí ủng hộ người học hoặc gia đình người học cho ban đại diện theo nguyên tắc tự nguyện, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh. Ban đại diện không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.
Kinh phí hoạt động của ban đại diện chỉ sử dụng cho các hoạt động trực tiếp của ban đại diện, không sử dụng cho hoạt động giáo dục của đơn vị. Các hoạt động giáo dục của đơn vị gồm các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sửa giấy báo tử của người mất vì COVID-19 phải làm sao?
Tại họp báo, vấn đề một số người nhà bệnh nhân COVID-19 qua đời ở BV Hồi sức COVID-19 phản ánh giấy báo tử bị sai thông tin, làm sao có thể điều chỉnh được đặt ra. Trả lời vấn đề này, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Ytế TP.HCM, thông tin Quyết định 1577 của Bộ Y tế năm 2022 về việc giải thể BV Hồi sức COVID-19 trực thuộc Sở Y tế nêurõ: UBND TP đã giao BV Ung bướu phụ trách quản lý, lưu trữ hồ sơ, chứng từ, thông tin liên quan đến hoạt động quản lý của nơi này, trong đó có liên quan đến giấy báo tử. “Sở Y tế đã hướng dẫn BV Ung bướu hỗ trợ thân nhân của người bệnh tử vong do COVID-19 điều chỉnh thông tin sai sót trên giấy báo tử” - bà Như nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/ra-soat-cac-khoan-thu-cua-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-post703115.html