Rà soát chiến lược thăm dò khai thác dầu khí đến năm 2035
Tại Kỳ họp tổng kết nhiệm kỳ 2017 - 2019, Hội đồng Khoa học và Công nghệ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đánh giá kết quả thăm dò khai thác dầu khí giai đoạn 2011 - 2019 và rà soát định hướng chiến lược để phát triển lĩnh vực cốt lõi.
Trên cơ sở Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và tình hình hoạt động thực tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang rà soát chiến lược phát triển các lĩnh vực cốt lõi, đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí, góp phần hiện thực hóa mục tiêu cung cấp năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi, đến năm 2045 đạt khoảng 320 - 350 triệu tấn dầu quy đổi.
Xác định hoạt động thăm dò khai thác dầu khí gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Tập đoàn đang triển khai các giải pháp để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò tài nguyên dầu khí ở trong nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài trên cơ sở có hiệu quả kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm.
Mục tiêu là đẩy mạnh tận thăm dò các khu vực đang khai thác ở trong nước nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và duy trì sản lượng khai thác; đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước; tiếp tục đầu tư tìm kiếm thăm dò khai thác ở khu vực nước sâu, xa bờ khi điều kiện thuận lợi.
Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí hydrate, khí than, khí nông, khí đá phiến,...), các loại bẫy chứa phi truyền thống, tối ưu việc khoan đan dày, lựa chọn đối tượng nứt vỉa thủy lực... Triển khai nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào ứng dụng các công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu, coi đây là nhiệm vụ chính cho Chiến lược thăm dò khai thác trong thời gian tới. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và phân tích dữ liệu… để tối ưu hóa việc điều hành và quản trị các hoạt động, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác.
Trong giai đoạn 2011 - 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký được 24 hợp đồng dầu khí, có 31 phát hiện dầu khí mới, trong đó có 1 số phát hiện quan trọng làm thay đổi quan điểm tìm kiếm thăm dò dầu khí tại bể Nam Côn Sơn, Sông Hồng và Cửu Long, cũng như quan điểm tận thăm dò các đối tượng tại khu vực truyền thống.
Tuy nhiên theo TS. Trịnh Xuân Cường - Trưởng Ban Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí PVN, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đang đối diện với thách thức lớn khi các phát hiện gần đây đa số quy mô nhỏ, các đối tượng mới như bẫy địa tầng, bẫy phi cấu tạo có rủi ro cao.
Phần khá lớn tiềm năng dầu khí nằm ở khu vực nhạy cảm, nước sâu xa bờ, đòi hỏi công nghệ cao, chi phí lớn, gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư và ký hợp đồng dầu khí mới trong khi nguồn vốn trong nước rất hạn chế, cơ chế chính sách, các điều khoản của hợp đồng chia sản phẩm (PSC) còn nhiều vướng mắc, không đủ hấp dẫn nhà đầu tư...
Trong khi đó, Quy chế tài chính Công ty mẹ - PVN chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt; cơ chế chính sách cho hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí chậm được sửa đổi, ban hành khiến lĩnh vực cốt lõi ngày càng khó khăn.
Hệ số bù trữ lượng (gia tăng trữ lượng/sản lượng khai thác dầu khí) trung bình trong giai đoạn 2011 - 2019 đạt 1,06; trong đó hệ số bù trữ lượng của dầu và condensate chỉ đạt 0,74 (có thời điểm năm 2017 chỉ đạt 0,13). Đây là thách thức rất lớn đối với công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong giai đoạn tới.
Trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi đan xen, các chuyên gia cho rằng để triển khai được các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ/ngành cần sớm xem xét có cơ chế tạo nguồn vốn và cơ chế khấu trừ chi phí (write off) đối với hoạt động khoan thăm dò/thẩm lượng, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư đặc biệt cho các khu vực tiềm năng dầu khí hạn chế; tăng nguồn trích lập và mở rộng đối tượng sử dụng Quỹ Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí, để thúc đẩy công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò.