Rà soát công tác chuẩn bị, phối hợp chặt chẽ hướng tới Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 9
Chiều ngày 15/8, tại trụ sở UBND tỉnh Cao Bằng, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam (UBQG) dẫn đầu có buổi làm việc với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh nhằm rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị Công viên địa chất toàn cầu (APGN-8), dự kiến diễn ra từ ngày 8-15/9.
Tham gia đoàn công tác có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Thị Hường; Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký UBQG Lê Thị Hồng Vân; Phó Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng; Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ Trần Thị Thu Thìn và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao và UBQG UNESCO Việt Nam.
Về phía tỉnh Cao Bằng có Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An; Giám đốc Sở Ngoại vụ Phạm Văn Cao; Chánh Văn phòng UBND Trịnh Sỹ Tài; Giám đốc Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy và đại diện lãnh đạo, cán bộ các sở, phòng, ban liên quan của Tỉnh.
Phấn đấu theo đúng kế hoạch
Vui mừng đón tiếp Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và đoàn công tác, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao, UBQG UNESCO Việt Nam và tỉnh Cao Bằng thời gian qua.
Chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn khi đăng cai tổ chức Hội nghị APGN-8, Chủ tịch UBND Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh, đây là hội nghị quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại Tỉnh, do vậy khối lượng công việc rất lớn, nhiều vấn đề đặt ra như công tác lễ tân, hậu cần, giao thông, an ninh, an toàn thực phẩm, cơ sở lưu trú…
Điểm thuận lợi là công tác tổ chức có được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ, đồng thuận của người dân địa phương và sự đồng hành, hỗ trợ hết sức trách nhiệm, hiệu quả của Bộ Ngoại giao, UBQG UNESCO Việt Nam.
Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, sau cuộc làm việc tại trụ sở Bộ Ngoại giao vào ngày 6/3, Tỉnh đã thành lập các tiểu ban chuyên môn về nội dung; hậu cần, khánh tiết; tuyền thông; an ninh, y tế. Theo đánh giá sơ bộ, đến nay, khối lượng công việc, trong đó việc đầu tư, xây dựng các cơ sở vật chất cho Hội nghị cơ bản đạt 80-90% và phấn đấu mục tiêu hoàn thành trước ngày 31/8 theo đúng kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam cảm ơn tình cảm, sự đón tiếp chu đáo của Tỉnh dành cho đoàn, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được trên cơ sở phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các đơn vị chuyên môn hai bên thời gian qua.
Thứ trưởng cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hết sức quan tâm, đánh giá cao quyết tâm của Tỉnh trong việc đăng cai tổ chức Hội nghị APGN-8 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Ngoại giao trong công tác đối ngoại cũng như của UBQG UNESCO Việt Nam trong hợp tác với UNESCO.
Trên tinh thần đó, các đơn vị của Bộ Ngoại giao, Ban thư ký và các Tiểu ban, Tiểu ban chuyên môn của UBQG UNESCO Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức chung; tiến hành mời đại biểu trong nước và quốc tế; xây dựng chương trình, kịch bản điều hành Hội nghị; tập huấn cho các lực lượng, trong đó có sinh viên Học viện Ngoại giao về công tác đón tiếp, lễ tân, hậu cần.
Sắp tới, nhận lời mời của Bộ Ngoại giao, UBQG UNESCO Việt Nam, bà Lidia Brito Trợ lý Tổng giám đốc UNESCO về Khoa học tự nhiên sẽ thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị APGN-8. Theo Thứ trưởng, đây chính là sự ghi nhận của tổ chức UNESCO trước những nỗ lực của các địa phương Việt Nam, trong đó có Cao Bằng, trong việc bảo vệ và phát huy các danh hiệu UNESCO đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Sẵn sàng cho “Ngày hội các danh hiệu UNESCO”
Sau khi lắng nghe báo cáo, ý kiến trao đổi của các cơ quan chuyên môn, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh đồng quan điểm rằng, Hội nghị APGN-8 lần này không chỉ là sự kiện của riêng tỉnh Cao Bằng mà còn là ngày hội của các địa phương đang sở hữu danh hiệu UNESCO, qua đó góp phần định vị Cao Bằng nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản thế giới.
Đây vừa là cơ hội để tăng cường kết nối hợp tác quốc tế vừa là dịp quảng bá đưa Cao Bằng vươn ra thế giới và đưa thế giới đến với Cao Bằng. Đồng thời, là dịp để Việt Nam tiếp tục thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm và đóng góp thực chất vào các vấn đề chung của tổ chức UNESCO.
Với quan điểm đó, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cần tập trung nguồn lực trong giai đoạn “nước rút”, cụ thể: bám sát kế hoạch tổ chức chung, phát huy cơ chế phối hợp hiệu quả thời gian qua; tiếp tục triển khai chu đáo công tác mời đại biểu, đặc biệt là Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo tổ chức UNESCO; hoàn thiện nội dung, kịch bản của từng hoạt động, sự kiện, nhất là Lễ khai mạc, bế mạc Hội nghị và Lễ kỷ niệm 20 năm thiết lập Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu; tập trung xây dựng Tuyên bố Cao Bằng vừa truyền tải kết quả Hội nghị vừa quảng bá, lan tỏa hình ảnh văn hóa, con người Cao Bằng nói riêng và Việt Nam nói chung;
Đồng thời, cần chuẩn bị chu đáo các hoạt động song phương của lãnh đạo hai bên với đại biểu các nước và tổ chức UNESCO; xây dựng chất lượng nội dung ký kết hợp tác với các Công viên địa chất toàn cầu trên thế giới; tiếp tục công tác tập huấn, lễ tân, hậu cần, chú ý tới văn hóa, phong tục đại biểu của các nước để đón tiếp chu đáo, công tác an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, phương án giao thông đi lại…; cũng như tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, trước mắt là tổ chức tốt buổi họp báo về Hội nghị dự kiến vào cuối tháng 8/2024 tại Hà Nội.
Sau buổi làm việc, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc và đoàn công tác đã đi khảo sát địa điểm diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị APGN-8.