Rà soát, điều chỉnh quy định chức danh nhà giáo trong nhà trường Quân đội, Công an

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, ngày 8-10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Tại phiên họp, báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đối với dự án Luật Nhà giáo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Dự thảo Luật Nhà giáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này gồm 9 chương, 45 điều (giảm 26 điều so với dự thảo trình Quốc hội trước đó).

Dự thảo Luật Nhà giáo sau khi được chỉnh lý bảo đảm không làm thay đổi 5 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 95/NQ-CP bao gồm: Định danh nhà giáo, tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo, quản lý nhà nước về nhà giáo.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Rà soát, điều chỉnh quy định chức danh nhà giáo trong nhà trường Quân đội, Công an

Đáng chú ý, Điều 12 của dự thảo luật về chức danh nhà giáo quy định: Chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo tương ứng với từng cấp học, trình độ đào tạo; chức danh nhà giáo trong trường của lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân.

Đại diện cơ quan thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng tình với việc quy định chức danh nhà giáo tương ứng với các cấp học, trình độ đào tạo tại Điều 12 trên, áp dụng cho nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo tại phiên họp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo luật quy định chức danh nhà giáo chưa phù hợp với nhà giáo công tác tại cơ sở giáo dục ngoài công lập; đề nghị rà soát, điều chỉnh quy định chức danh nhà giáo trong nhà trường của lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 5, do Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân không quy định về nội dung này.

Ngoài ra, Điều 13 về chuẩn nghề nghiệp nhà giáo trong dự thảo luật quy định: Chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là hệ thống các tiêu chuẩn theo từng hạng của chức danh nhà giáo, bao gồm: Đạo đức; trình độ đào tạo, bồi dưỡng; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; sức khỏe. Căn cứ quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo chung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chuẩn nghề nghiệp nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

Nhất trí với quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo như trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị cân nhắc việc áp dụng tiêu chuẩn về “sức khỏe” khi xem xét bổ nhiệm hạng chức danh nhà giáo; cân nhắc việc giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chuẩn nghề nghiệp nhà giáo về sức khỏe để tránh chồng chéo, mâu thuẫn với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế theo pháp luật về khám sức khỏe.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, Điều 24 về đánh giá đối với nhà giáo quy định: Nhà giáo được đánh giá định kỳ 1 lần vào cuối năm học. Ngoài việc đánh giá định kỳ, nhà giáo còn được đánh giá khi kết thúc tập sự; thay đổi vị trí việc làm; xét khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tán thành với sự cần thiết quy định về đánh giá nhà giáo; cho rằng đây là cơ sở xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá năng lực nhà giáo, quyết định tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển, thăng chức, tăng lương, khen thưởng… đối với nhà giáo; đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc giao cấp có thẩm quyền quy định chi tiết việc đánh giá nhà giáo.

Nhà giáo trong một số cơ sở giáo dục có thể nghỉ hưu sớm

Đặc biệt, Điều 28 dự thảo luật về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo quy định: Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, trường lớp dành cho người khuyết tật có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhất trí với quy định trên song cũng nêu rõ: Quy định về nghỉ hưu trước tuổi đối với nhà giáo trong trường, lớp dành cho người khuyết tật cần xem xét kỹ lưỡng hơn trong mối tương quan với các đối tượng nhà giáo khác và các đối tượng lao động khác trong môi trường tương tự.

ANH PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/ra-soat-dieu-chinh-quy-dinh-chuc-danh-nha-giao-trong-nha-truong-quan-doi-cong-an-797843