Rà soát kỹ các quy định về xây dựng, phát triển đường cao tốc

Tiếp tục chương trình Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, sáng 11.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến một số vấn đề lớn về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Giao Chính phủ quy định điều kiện, thời điểm thu phí sử dụng đường cao tốc

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung 54 Điều; chỉnh sửa kỹ thuật lập pháp 14 điều.

Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47), trên cơ sở thảo luận trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, nội dung Khoản 5, Điều 47 là phù hợp. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa quy định về trách nhiệm của cơ quan chủ trì, đầu mối trong việc kiểm soát tổng mức đầu tư đối với các dự án được tách thành các tiểu dự án, dự án thành phần.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đường bộ. Ảnh: Lâm Hiển

Vì vậy, đề nghị bổ sung đoạn 2, khoản 5, Điều 47 để quy định nội dung này như sau: “Trường hợp quyết định tách dự án thành các tiểu dự án, dự án thành phần, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc giao cho một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án; chịu trách nhiệm rà soát, điều hòa, cân đối và thống nhất điều chỉnh tổng mức đầu tư giữa các tiểu dự án, dự án thành phần, bảo đảm không vượt sơ bộ tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư”.

Về phí sử dụng đường cao tốc (Điều 50), theo báo cáo của Ban soạn thảo, tại khoản 2, Điều 85 dự thảo Luật quy định “Các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 42, Điều 43, Điều 50, khoản 1 Điều 84 của Luật này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2024”.

Theo đó, quy định này sẽ có hiệu lực sớm nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để triển khai công tác thu phí như: đầu tư xây dựng hạ tầng trạm thu phí; xây dựng mức thu phí, cơ chế quản lý phí sử dụng đường bộ... Sau khi đã bảo đảm các điều kiện về hạ tầng, nguồn lực sẽ thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc.

Mặt khác, đây là một chính sách mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong khi một số dự án đường cao tốc đã đưa vào khai thác và đang xây dựng chưa được bố trí vốn cho các hạng mục thu phí do chưa có quy định thu. Vì vậy, cần tổng hợp, thống kê đối với tính chất và nhu cầu của từng dự án để chuyển tiếp phù hợp, khả thi.

Để bảo đảm các yêu cầu nêu trên và tránh việc hiểu ngày 1.10.2024 sẽ thu phí sử dụng đường cao tốc, theo đề nghị của Ban soạn thảo, Thường trực Ủy ban đề cho bổ sung khoản 3 Điều 50, cụ thể như sau: “3. Chính phủ quy định về điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường cao tốc; việc thu phí sử dụng đối với đường cao tốc thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45 và khoản 2 Điều 47 của Luật này”.

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho Nhân dân

Cho ý kiến với dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên các lĩnh vực được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đầu tư; cho rằng, các tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ đã phân định một cách cơ bản với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục rà soát, bám sát các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu tối đa, giải trình rõ ràng, thấu đáo nội dung nào tiếp thu hoặc chưa tiếp thu để tạo được sự đồng thuận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra rà soát, nghiên cứu xác định rõ có cần thiết tiếp tục hoàn thiện và bổ sung những hành vi bị cấm tại Điều 261, Bộ luật Hình sự vào dự thảo Luật hay không? Bởi, Điều 261, Bộ luật Hình sự hiện hành còn có một số hành vi bị coi là tội cản trở giao thông, nhưng trong dự thảo Luật chưa quy định là hành vi bị nghiêm cấm.

Về đầu tư, xây dựng, phát triển đường cao tốc (Điều 47) - nội dung mới so với luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, với nhiều vấn đề được luật hóa từ thực tiễn đầu tư xây dựng đường cao tốc thời gian vừa qua, cần tiếp tục rà soát, chỉnh lý kỹ, nhất là những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đường cao tốc; đầu tư xây dựng phát triển đường cao tốc; việc mở rộng đầu tư mở rộng đường cao tốc; hình thức đầu tư, mối quan hệ giữa đường cao tốc với các đường hiện hữu…

Về việc thu phí sử dụng đường cao tốc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, phương án bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 50 là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, không nên quy định là quá “cứng”.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, có căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn rõ ràng, trên tinh thần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/ra-soat-ky-cac-quy-dinh-ve-xay-dung-phat-trien-duong-cao-toc-i375198/