Rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách
Lưu ý 6 nhóm dễ bị tổn thương và 4 lĩnh vực lợi ích công thuộc diện được Viện Kiểm sát nhân dân thí điểm khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự và lợi ích công đang được quy định tại nhiều luật khác nhau, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách.
Chiều 19/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.
Tạo cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu rõ, theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: Hồ Long
Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.
Viện trưởng cho biết, qua thực tiễn thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án, vụ việc trong các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, Viện kiểm sát nhân dân đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm, vi phạm; mặc dù các chủ thể vi phạm đã bị xử lý về trách nhiệm hình sự nhưng phần dân sự gây thiệt hại cho Nhà nước, cho nhóm dễ bị tổn thương vẫn chưa được khắc phục triệt để; hoặc có trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự nhưng phải giải quyết vấn đề dân sự để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho nhóm dễ bị tổn thương thì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khởi kiện, yêu cầu. Điều này đã dẫn đến thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ triệt để, hiệu quả.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Từ cơ sở thực tiễn nêu trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thấy rằng, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 50 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội cho phép việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc này theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để Viện Kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Xác định cụ thể các lợi ích công cần được bảo vệ
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, hồ sơ dự án Nghị quyết được cơ quan chủ trì soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu, đủ tài liệu theo quy định đối với dự án trình Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Lâm Hiển
Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 và khoản 2, khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết, Viện kiểm sát nhân dân được thí điểm “khởi kiện vụ án dân sự công ích” để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương, gồm 6 nhóm và bảo vệ lợi ích công, gồm 4 lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.
Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về cách xác định phạm vi 6 nhóm dễ bị tổn thương và 4 lĩnh vực lợi ích công thuộc diện được Viện kiểm sát nhân dân thí điểm khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự và lợi ích công.
Tuy nhiên, các nhóm dễ bị tổn thương và lĩnh vực lợi ích công nêu trên đang được quy định tại nhiều luật khác nhau. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách bảo vệ.
Thứ nhất, đối với nhóm dễ bị tổn thương, tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết quy định: “Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật”.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, việc khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương là người dân tộc thiểu số về bản chất cũng là chính sách hỗ trợ pháp lý nhưng ở mức độ cao hơn, trong đó, cơ quan nhà nước (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) trực tiếp khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền dân sự của họ.
Tuy nhiên, theo Luật Trợ giúp pháp lý, thì đối tượng được trợ giúp pháp lý trong trường hợp này là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hẹp hơn so với phạm vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định này bảo đảm sự thống nhất trong chính sách hỗ trợ pháp lý cho cùng đối tượng.
Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm sự thống nhất trong việc quy định các đối tượng thuộc “nhóm dễ bị tổn thương” tại dự thảo Nghị quyết với các luật có liên quan.
Thứ hai, đối với lợi ích công (khoản 3 Điều 3), Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành với nội dung được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý quy định về “lợi ích công” và xác định cụ thể các lợi ích công cần được bảo vệ theo Nghị quyết.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhận thấy, quy định về “tài sản công, đầu tư công” tại điểm a và “đất đai”, “tài nguyên khác” tại điểm b khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết còn chung chung, chưa thật rõ lợi ích công trực tiếp cần được bảo vệ trong vụ án dân sự công ích, dễ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, quy định đầy đủ, chặt chẽ phạm vi “lợi ích công”; đồng thời, đề nghị chuyển quy định “bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tại điểm d khoản 3 về khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp với nhóm dễ bị tổn thương.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc bổ sung một số lợi ích công khác vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, như: bảo vệ di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa hoặc bảo đảm an toàn lao động theo quy định của Bộ luật Lao động..., nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.