Rà soát kỹ những bất cập, lợi thế để đưa Tây Nguyên phát triển đột phá

Chiều 23/6/2024, tại TP Đà Lạt, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, chuyên đề quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, chuyên đề quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên, chuyên đề quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 377/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum).

Trách nhiệm của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên là giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình, dự án, các hoạt động liên kết vùng bảo đảm tổ chức thực hiện đồng bộ, nhất quán và hiệu quả Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch, chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch.

Quyết định quy hoạch vùng Tây Nguyên (thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050), bao gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 tỉnh Tây Nguyên; mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm.

Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị

Việc phát triển kinh tế phải có trọng tâm, trọng điếm, lợi thế vùng; tập trung vào các ngành đặc thù, có thế mạnh của các địa phương, như: nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm...

Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch cấp trên.

Bộ Chính trị chỉ đạo xuyên suốt: củng cố tiềm lực quốc phòng, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu của Tây Nguyên với cả nước.

Do đó, bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng, đảm bảo an ninh nguồn nước là yêu cầu cấp bách đối với vùng Tây Nguyên.

Chú trọng bảo vệ, phát triển rừng gắn với kinh tế lâm nghiệp và ổn định, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng...

Tăng cường liên kết với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và các nước ASEAN.

Đến năm 2050, một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị

Mục tiêu trước mắt, đến năm 2030, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyến đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến; trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chú trọng cơ chế chính sách khuyến khích đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Từng bước nâng chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục theo tiêu chuẩn quốc gia, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch mức sống và thụ hưởng của người dân.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển kết cấu hạ tầng vùng từng bước đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên hoàn thành các công trình hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, liên tỉnh.

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (hàng trước, bìa trái) và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lâm Đồng tại Hội nghị

Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng (hàng trước, bìa trái) và Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Lâm Đồng tại Hội nghị

Để đạt được các vấn đề trên, cần đột phá về nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng: Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, thu hút nguồn lực đầu tư các tỉnh trong vùng; ưu tiên cải thiện tiếp cận đất đai; tăng cường xúc tiến đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo; liên kết với các tỉnh vùng Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, gắn với các hành lang kinh tế, liên kết du lịch giữa năm tỉnh Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ.

Ưu tiên phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là cực tăng trưởng của tiểu vùng Nam Tây Nguyên; đảm nhận chức năng trung tâm du lịch của vùng Tây Nguyên và cả nước, đầu mối về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục...

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Công an, Kế hoạch - Đầu tư, GTVT... và lãnh đạo UBND 5 tỉnh Tây Nguyên nêu ra những bất cập, thuận lợi để thực hiện mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên theo lộ trình, thưc hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn liền với ổn định chính trị vùng Tây Nguyên.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, vùng Tây Nguyên có nhiều lợi thế về nguồn lực, như: khí hậu, nguồn tài nguyên, nhân lực...; cần người dám nghĩ, dám làm, vì mục tiêu chung.

Yêu cầu các tỉnh, các bộ, ngành cần rà soát lại quy hoạch, phát hiện bất cập, lợi thế của địa phương để cùng soát xét, phối hợp tốt để tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ, Trung ương tập trung nguồn lực, có lộ trình phát triển Tây Nguyên đột phá, bền vững.

Đại biểu tham quan bản đồ quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Đại biểu tham quan bản đồ quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội nghị

Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội nghị

Ngọc Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ra-soat-ky-nhung-bat-cap-loi-the-de-tay-nguyen-dot-pha_163857.html