Rà soát lại các tuyến vận tải khách sau khi sáp nhập đơn vị hành chính

Theo Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Xây dựng), việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ ngày 1.7 đã dẫn đến thay đổi thông tin về các tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh, liên tỉnh.

Cục Đường bộ Việt Nam cho biết trước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, cả nước có hơn 9.450 tuyến xe khách cố định liên tỉnh được công bố. Để công tác quản lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất và chính xác dữ liệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các sở xây dựng rà soát, đối chiếu và cập nhật thông tin các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, bao gồm: mã số tỉnh, thành phố nơi đi, nơi đến và mã số bến xe mới.

Với các tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, các sở xây dựng cũng cần rà soát, đối chiếu và cập nhật thông tin mới. Bên cạnh các tuyến hiện do địa phương quản lý, các địa phương cần bổ sung những tuyến trước đây là liên tỉnh nay đã trở thành tuyến nội tỉnh do sáp nhập đơn vị hành chính.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị hoàn tất việc rà soát, tổng hợp, cập nhật và điều chỉnh, gửi về Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 18.7 để tổng hợp, công bố điều chỉnh theo quy định.

Cùng với việc cập nhật danh mục tuyến vận tải hành khách tuyến cố định trên hệ thống của Bộ Xây dựng và Cục Đường bộ Việt Nam, sắp tới, các doanh nghiệp vận tải cũng cần thực hiện việc điều chỉnh thông tin hành trình trên các chuyến xe.

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản yêu cầu các khu quản lý đường bộ, sở xây dựng trên cả nước và nhà đầu tư dự án giao thông thực hiện cập nhật, điều chỉnh thông tin biển chỉ dẫn đường bộ phù hợp với đơn vị hành chính hai cấp sau sắp xếp, sáp nhập.

“Các đơn vị quản lý đường bộ rà soát lại tất cả biển báo giao thông để phù hợp với việc sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành phố. Trước mắt phải phối hợp ngay việc tổ chức điều chỉnh thông tin, vị trí các biển chỉ dẫn địa giới hành chính giữa các khu vực tỉnh thành (biển báo I.419) cho phù hợp với các đơn vị sau sắp xếp. Nhiệm vụ này phải hoàn thành trước ngày 15.7”, lãnh đạo Cục Đường bộ yêu cầu.

Các khu quản lý đường bộ và các nhà đầu tư dự án đường bộ làm việc với các cơ quan chức năng của địa phương để lập biên bản thống nhất về địa danh chỉ dẫn mới trên các biển báo.

Sau đó, phải thay địa danh trên biển báo hiện chỉ dẫn hướng đi đến huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà hiện nay không còn tác dụng do bỏ chính quyền cấp huyện, hoặc do thay đổi tên đơn vị hành chính ở địa phương do sáp nhập cấp tỉnh, xã. Đồng thời cần kiểm tra để điều chỉnh chỉ dẫn về khoảng cách phù hợp với địa danh chỉ dẫn mới.

Thêm vào đó, các đơn vị chức năng cũng cần rà soát các báo hiệu đường bộ khác có liên quan đến thay đổi địa danh hành chính, chỉ dẫn địa danh đến và khoảng cách (ví dụ các thông tin khoảng cách ghi trên cột cây số đến địa danh cụ thể) cần điều chỉnh và đề xuất lộ trình thực hiện.

Đối với các dự án chưa hoàn thành, cục yêu cầu các chủ đầu tư triển khai thực hiện điều chỉnh ngay địa danh hành chính, địa danh chỉ dẫn hướng đi đến, hướng rẽ, lối ra để đến địa danh mới phù hợp với đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Trong quá trình triển khai, cần ưu tiên điều chỉnh trước các biển báo ở những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông.

Thủy Long

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ra-soat-lai-cac-tuyen-van-tai-khach-sau-khi-sap-nhap-don-vi-hanh-chinh-234662.html