RÀ SOÁT, QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VỀ ĐIỀU KIỆN TẬP SỰ NGHỀ CÔNG CHỨNG

Theo dự kiến Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tham vấn chuyên gia góp ý vào Dự thảo luật, nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng đồng thời kiến nghị, rà soát, quy định chặt chẽ về điều kiện tập sự nghề công chứng và thời hạn có giá trị của chứng chỉ đào tạo nghề công chứng.

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Tại Dự thảo luật đã dành một chương (Chương II) về Công chứng viên với 09 Điều (từ Điều 8 đến Điều 16) quy định về: Điều kiện, tiêu chuẩn Công chứng viên; Tập sự hành nghề công chứng; Bổ nhiệm Công chứng viên; Những trường hợp không được bổ nhiệm Công chứng viên; Tạm đình chỉ hành nghề công chứng; Miễn nhiệm Công chứng viên; Bổ nhiệm lại Công chứng viên; Quyền và nghĩa vụ của Công chứng viên.

Liên quan đến quy định về tập sự hành nghề công chứng, so với Luật Công chứng năm 2014, Luật Công chứng (sửa đổi) có điểm mới: Quy định về thời gian tập sự hành nghề công chứng thống nhất là 12 tháng để giúp cho các đối tượng tập sự đủ thời gian để trải nghiệm, vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn. Đồng thời, dự thảo Luật quy định rõ người tập sự hành nghề công chứng phải bảo đảm thời gian tập sự theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng nhân tập sự để bảo đảm sự nghiêm túc, thực chất của việc tập sự, tránh tình trạng chỉ ghi danh tập sự; bổ sung quy định trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận mà người đạt yêu cầu kiểm tra không đề nghị bổ nhiệm công chứng viên thì giấy chứng nhận hết hiệu lực.

Sửa đổi toàn diện Luật Công chứng (Ảnh minh họa)

Sửa đổi toàn diện Luật Công chứng (Ảnh minh họa)

Quan tâm tới quy định tại dự thảo luật, PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện Tư pháp cho rằng, cần quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ đào tạo nghề công chứng và điều kiện tập sự nghề công chứng.

Hiện nay, do không có quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ đào tạo nên thực tế có nhiều trường hợp học viên đi học mà chưa xác định được mục tiêu hành nghề sau khi tốt nghiệp. Thực tế, có nhiều trường hợp học viên đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng nhưng sau hơn 10 năm mới tham gia tập sự hành nghề. Khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng đã thay đổi rất nhiều. Vì vậy, theo PGS.TS Nguyễn Minh Hằng, Điều 10 - Tập sự hành nghề công chứng Dự thảo luật cần thiết bổ sung quy định thời hạn tập sự nghề công chứng sau khi có chứng chỉ đào tạo nghề công chứng “Khi được cấp chứng chỉ đào tạo nghề công chứng phải tham gia tập sự nghề công chứng trong thời hạn 10 năm. Hết thời hạn này mà người được cấp chứng chỉ đào tạo không tập sự hành nghề công chứng thì chứng chỉ đào tạo không còn hiệu lực.”

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện Tư pháp

PGS.TS Nguyễn Minh Hằng - Phó giám đốc Học viện Tư pháp

Về nội dung này, TS. Nguyễn Văn Hợi - Trường Đại học Luật Hà Nội lưu ý, tại khoản 5 Điều 10 có quy định “Người tham dự kiểm tra mà không đạt yêu cầu trong 03 kỳ kiểm tra liên tục thì phải tập sự lại”. Quy định này có thể dẫn đến cách hiểu rằng nếu người tham dự kiểm tra tham dự 3 kỳ kiểm tra liên tục (tính liên tục đứng từ góc độ tổ chức kỳ kiểm tra) mà không đạt yêu cầu mới phải tập sự lại, nên nếu họ cũng đã tham gia 3 kỳ kiểm tra nhưng không liên tục và không đạt yêu cầu thì không phải tập sự lại. Song cũng có thể có cách hiểu rằng người tham dự kiểm tra trong 03 kỳ liên tục nhưng với bản thân họ (tính liên tục đứng từ góc độ của người tham dự) mà không đạt thì mới phải tập sự lại. Do đó, cần cân nhắc để cụ thể hóa quy định này và có thể quy định theo hướng “03 lần liên tục”.

 TS. Nguyễn Văn Hợi - Trường Đại học Luật Hà Nội

TS. Nguyễn Văn Hợi - Trường Đại học Luật Hà Nội

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng: Theo quy định của pháp luật hiện nay là tách biệt hoàn toàn giai đoạn đào tạo ban đầu kỹ năng nghề tại cơ sở đào tạo và giai đoạn đào tạo thực tế (tập sự hành nghề) tại cơ quan, đơn vị sử dụng, quản lý người tập sự. Sau khi tốt nghiệp, người tham gia chương trình đào tạo nghề công chứng sẽ được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa bồi dưỡng nghề công chứng, tập sự hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự. Hết thời gian tập sự, người đăng ký tập sự phải có báo cáo bằng văn bản về kết quả tập sự có nhận xét của công chứng viên hướng dẫn và xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự gửi đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự và trải qua kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng do Bộ Tư pháp tổ chức hàng năm.

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng. Trường hợp không đạt, người tập sự được phép đăng ký kiểm tra lại trong đợt sau nhưng tổng số lần kiểm tra tối đa chỉ 03 lần. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng nộp hồ sơ xin bổ nhiệm công chứng viên theo quy định. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên khi người được bổ nhiệm đảm bảo các đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và không thuộc những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên.

Kiểm soát chặt chẽ quá trình tập sự hành nghề và nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên

Kiểm soát chặt chẽ quá trình tập sự hành nghề và nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên

Cơ chế này dẫn đến việc gắn kết giữa Cơ sở đào tạo nghề công chứng, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng vào hoạt động đào tạo còn chưa chặt chẽ, mang tính hệ thống và lâu dài, còn mang tính thụ động, ngắn hạn, hạn chế cả về phương thức, thời hạn và nội dung. Cơ chế phối hợp ba bên giữa Cơ sở đào tạo nghề công chứng - Học viên - Tổ chức hành nghề công chứng chưa được hình thành. Việc tách biệt hoàn toàn 2 giai đoạn đào tạo này là nguyên nhân chính dẫn đến việc tỷ lệ vượt qua kỳ kiểm tra sát hạch tập sự hành nghề công chứng còn tương đối hạn chế trong thực tiễn. Do đó, các ý kiến cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế đào tạo nghề công chứng, theo hướng: Đổi mới toàn diện, hợp nhất không tách biệt giai đoạn đào tạo ban đầu kỹ năng nghề tại cơ sở đào tạo và giai đoạn đào tạo thực tế; Bổ sung quy định về sự tham gia của cơ sở đào tạo nghề vào cơ chế đánh giá kết quả quá trình tập sự hành nghề để cấp chứng chỉ hành nghề nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình tập sự hành nghề và nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên;…

Hiện nay, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tiếp tục được lấy ý kiến tham vấn trong quá trình hoàn thiện. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) tới đây./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85349