'Rà soát quy định về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên'

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh cần rà soát các văn bản quy định, quy chế về giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Giờ học của học sinh Trường Trung học cơ sở Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Giờ học của học sinh Trường Trung học cơ sở Pom Lót, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Cần tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp về giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Đặc biệt là rà soát lại các văn bản, quy định, quy chế để có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, phù hợp và hiệu quả. Nếu văn bản, quy định còn hiệu lực và phù hợp thì cần bắt buộc thực hiện. Nếu văn bản, quy định không còn phù hợp cần phải có bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên năm học 2024-2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay, 7/8, tại Hà Nội.

Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết năm học 2023-2024, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng văn hóa cho học sinh, sinh viên tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng.

Các địa phương, các cơ sở giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử. Toàn ngành giáo dục tập trung triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác xây dựng văn hóa học đường với các nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với tình hình thực tế.

 Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hội nghị có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với công tác học sinh, sinh viên, trong năm học 2023-2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chú trọng thực hiện các chế độ chính sách đối với học sinh, sinh viên; triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống bạo lực xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học; công tác giáo dục an toàn giao thông; công tác tư vấn kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Vụ trưởng Trần Văn Đạt cho hay trong năm học tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông; tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người học; nâng cao chất lượng nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Ngành giáo dục cũng tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Nhấn mạnh công tác tư tưởng, chính trị, giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh, sinh viên là gốc là nền tảng, là cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho biết để thực hiện tốt nhiệm vụ này cần phải tiếp tục nhận thức và có thay đổi nhận thức công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức ở tất cả các cấp.

 Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhận định đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp và nhạy cảm, do vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng và không phải qua một thời gian ngắn là có thể đánh giá được kết quả, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với nhiệm vụ này. Vì thế, cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước các cấp về lĩnh vực này, đặc biệt là rà soát các văn bản, quy định, quy chế liên quan.

Về nội dung chuyên môn, đối với công tác chính trị, tư tưởng Thứ trưởng lưu ý cần xây dựng nên giá trị và hệ giá trị. Học sinh và sinh viên phải được tiếp cận với những giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại để có những giá trị đạo đức chuẩn mực nhưng vẫn tiếp cận được với những năng lực của công dân toàn cầu.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường, lưu ý về công tác nhân sự; công tác phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên, lấy ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học và các sở giáo dục và đào tạo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ra-soat-quy-dinh-ve-giao-duc-dao-duc-loi-song-cho-hoc-sinh-sinh-vien-post969314.vnp