Rà soát sửa đổi, bổ sung loạt chính sách mới trong Luật Đường sắt
Luật Đường sắt 2017 đang được các đơn vị tích cực rà soát, đánh giá để có định hướng cụ thể khi đề xuất sửa Luật và bổ sung những chính sách phù hợp với tình hình mới, để vực dậy vận tải đường sắt và phát huy tính ưu việt vốn có của loại hình vận tải này...
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông báo 441/TB-BGTVT 2022 về kết luận của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại cuộc họp
về rà soát Luật Đường sắt vừa qua.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đánh giá Luật Đường sắt xuất hiện một số những bất cập nhất định; do đó, cần rà soát, đánh giá để phù hợp với yêu cầu mới trong thực tiễn.
Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết hợp với nội dung Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông qua đó để cập nhật, đánh giá đúng, đầy đủ hơn, thực tế hơn đến những chủ thể chịu tác động trực tiếp của Luật. Thứ trưởng cũng đánh giá cao Vụ Pháp chế và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị dự thảo báo cáo tổng kết Luật Đường sắt lần 1.
Trên cơ sở các nội dung được thảo luận tại cuộc họp, Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, có văn bản đánh giá về quá trình thực thi Luật Đường sắt trong thời gian vừa qua, gửi Cục Đường sắt Việt Nam tổng hợp ngay trong tháng 10.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam tổng hợp báo cáo của các cơ quan, đơn vị và hoàn thiện lại báo cáo tổng kết theo hướng có sự đánh giá về các nhóm chính sách, như phương tiện người lái; kết cấu hạ tầng đường sắt, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt…
Cục Đường sắt cũng cần tổ chức làm việc với Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, đầu tư, vận hành khai thác đường sắt đô thị và những đề xuất, kiến nghị để nghiên cứu bổ sung vào báo cáo tổng kết.
Đồng thời, "nghiên cứu thêm về vấn đề phân cấp kỹ thuật đường sắt và phân cấp quản lý đường sắt để có định hướng cụ thể khi đề xuất sửa Luật", Thứ trưởng nêu rõ.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát các hoạt động thực tiễn, đánh giá về quá trình thực hiện Luật Đường sắt trên thực tế và nghiên cứu trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế để đề xuất sửa đổi, bổ sung những chính sách cho phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, có sự rà soát, đánh giá về tiềm lực của các chủ thể khi thực hiện việc phân cấp, phân quyền để có căn cứ, cơ sở đề xuất sửa Luật.
Nhìn lại sự phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam khoảng 10 năm qua có thể thấy loại hình này gần như bị rơi vào quên lãng, khi không có bất cứ tuyến đường sắt đầu tư mới, hoàn chỉnh nào được đưa vào khai thác; chỉ có 2/7 tuyến nằm trong kế hoạch nâng cấp, cải tạo.
Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, do nhiều tranh luận về tốc độ, công nghệ nên báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vẫn chưa thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Ngoài ra, việc nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt (tuyến vành đai phía Đông thuộc khu đầu mối Hà Nội; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; đường sắt nối cảng biển Hải Phòng - Lạch Huyện) mới chỉ dừng ở bước nghiên cứu. Công tác đầu tư kết nối đường sắt với các cảng biển hiện vẫn nằm trên giấy.
Hiện năng lực cạnh tranh lành mạnh của phương thức giao thông vận tải đường sắt so với các phương thức giao thông khác là thấp, vận tải đường sắt chưa đủ sức hấp dẫn đối với khách hàng, khiến thị phần hành khách và hàng hóa so với toàn ngành tụt dốc hàng năm.