Rà soát tình hình chuẩn bị triển khai 2 dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và Nam Định - Thái Bình
Ngày 23-4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành, tỉnh Bình Phước, Nam Định, Thái Bình về tình hình triển khai 2 dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và Nam Định - Thái Bình.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, có chiều dài khoảng 124km, tổng mức đầu tư 20.434 tỷ đồng, được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư, loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); giai đoạn phân kỳ đầu tư có 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, sau đó sẽ mở rộng lên 4 làn xe ở giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh.
Dự án đường cao tốc Nam Định - Thái Bình có chiều dài 60,9km (tỉnh Thái Bình là 33,3km, tỉnh Nam Định là 27,6km), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/giờ. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 19.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công - tư, hình thức BOT.
Đến nay, 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định đã giải phóng 304/492ha mặt bằng phục vụ dự án. Vốn ngân sách Trung ương đã bố trí cho dự án 5.700 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình là 362 tỷ đồng, tỉnh Nam Định là 1.000 tỷ đồng.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của 2 tỉnh Thái Bình, Nam Định về kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện phù hợp với tình hình triển khai thực hiện dự án. Phó Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư phải có đủ điều kiện, năng lực về tài chính, công nghệ kỹ thuật, thi công, giám sát… để bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án, kết nối toàn tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng theo đúng kế hoạch đề ra, tăng cường kết nối khu vực Nam đồng bằng sông Hồng và các tỉnh ven biển Bắc bộ.
Với dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên hội đồng thẩm định Nhà nước gửi ngay văn bản để tỉnh Bình Phước, nhà đầu tư nghiên cứu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung trong báo cáo nghiên cứu khả thi; hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế kỹ thuật cơ sở trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng ý giao Bình Phước, theo thẩm quyền, lựa chọn nhà đầu tư để khởi công dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Phó Thủ tướng yêu cầu nội dung hợp đồng BOT phải bảo đảm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, chủ đầu tư và nhân dân; thực hiện kiểm toán định kỳ để điều chỉnh phương án, thời gian thu phí phù hợp với thực tế.