Rà soát toàn bộ tuyến kênh sau sự cố vỡ kênh 4.300 tỉ đồng
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ tuyến kênh 4.300 tỉ đồng Bắc sông Chu – Nam sông Mã ở Thanh Hóa sau sự cố vỡ kênh hôm 27-12-2020.
Sáng ngày 8-1, tin từ Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết sau 3 ngày thông dòng cấp nước trở lại cho 28.000 ha lúa của tỉnh Thanh Hóa sau sự cố vỡ kênh 4.300 tỉ đồng Bắc sông Chu - Nam sông Mã (tại xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đến nay đơn vị vẫn đang cấp nước suốt ngày đêm và đoạn kênh vỡ vẫn vận hành ổn định, không có hiện tượng gì bất thường.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 cho biết sau khoảng 1 tháng cấp nước liên tục cho người dân 4 huyện ở Thanh Hóa gieo cấy xong 28.000 ha đất, đơn vị này sẽ ngừng cấp nước để sửa chữa, khắc phục tuyến kênh vỡ trở lại như ban đầu.
Ông Đồng Văn Tự, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết sau khi sự cố xảy ra, Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 tổng rà soát, đánh giá toàn bộ tuyến kênh và đề xuất giải pháp sửa chữa, khắc phục sự cố (nếu có) nhằm đảm bảo an toàn lâu dài cho toàn tuyến kênh.
Theo ông Đồng Văn Tự, sự cố vỡ kênh xảy ra rất nhiều ở Việt Nam, trường hợp kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã bị vỡ là do nguyên nhân xói ngầm. "Đây là kênh dẫn qua nhiều khe núi, lại có địa chất rất yếu. Đoạn kênh đắp nổi, chiều cao rất lớn (khoảng 16-18 m), nằm trên lớp đá phong hóa và có cung trượt phức tạp. Bên dưới khe có một lớp bùn rất sâu, nước chảy xiết sau nhiều năm sẽ gây hiện tượng xói ngầm, nên khi đất yếu cộng với dòng thấm mạnh tạo nên xói ngầm bên dưới"- ông Tự thông tin.
Đánh giá về chất lượng công trình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết công trình được thi công đảm bảo đúng thiết kế. Những lớp bêtông theo đúng thiết kế là 12 cm. Tuy nhiên, những lớp bêtông này không phải bêtông chịu lực, nó chỉ được sử dụng để đảm bảo chống xói vì lưu tốc của kênh rất lớn, chủ yếu chịu lực vẫn là thân kênh.
Vị này cũng cho hay trước đây, sau khi hệ thống kênh đi vào hoạt động được bàn giao cho địa phương quản lý, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc tu bổ, bảo trì kênh gặp nhiều khó khăn. Nguồn kinh phí đó chỉ đủ để nạo nét, sửa chữa cống, mái kênh... và chưa căn cơ. Năm 2019, Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 3 tiếp nhận quản lý hệ thống kênh này.
Trước đó, vào khoảng 9 giờ 45 phút ngày 27-12, kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã đoạn qua địa phận thôn Minh Lãi (xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc) bất ngờ bị đứt gãy, tụt sâu với chiều dài khoảng 70 m. Sự cố đã khiến hàng ngàn m3 đất đá vùi lấp hơn 3,5 ha đất nông nghiệp và 0,5 ha ao cá của người dân, làm chậm việc cấp nước cho 28.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa.
Dự án kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã thuộc Dự án Hồ chứa nước Cửa Đạt, tỉnh Thanh Hóa, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 2542/QĐ-BNN-XD ngày 26-10-2011. Kênh Bắc sông Chu - Nam sông Mã lấy nước từ hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân), có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 370 km, tổng vốn đầu tư hơn 4.300 tỉ đồng. Công trình bắt đầu xây dựng vào năm 2011 và đưa vào vận hành năm 2017, phục vụ nước tưới cho hơn 30.000 ha đất nông nghiệp.