Rà soát tồn tại trong tổ chức lựa chọn nhà thầu Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành

Bộ Tài chính vừa có Văn bản số 10038/BTC-QLĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước.

Phối cảnh cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Chủ đầu tư

Phối cảnh cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Ảnh: Chủ đầu tư

Tuân thủ nguyên tắc công bằng, khách quan, minh bạch và hiệu quả

Bộ Tài chính cho biết, tại Báo cáo 8747/BTC-QLĐT ngày 19/6/2025 gửi Phó Thủ tướng Chính phủ trước đó, Bộ Tài chính chỉ tập trung vào việc rà soát, nhận diện, phản ánh những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu của địa phương mà không đưa ra kết luận cụ thể để địa phương xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về công tác lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tuân thủ quy định của pháp luật.

Việc thực hiện trách nhiệm nêu trên của địa phương cũng bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 85 Luật Đấu thầu. Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý; kiểm tra, thanh tra, giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu.

Giải trình rõ thêm, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ vào chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1935/QĐ-BTC ngày 2/6/2025 thành lập Tổ công tác kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng Dự án, gồm đại diện Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng.

Tuy nhiên, do thời gian thực hiện nhiệm vụ ngắn (phải báo cáo kết quả trước 10/6), Quyết định nêu trên đã yêu cầu Tổ công tác thực hiện kiểm tra trong thời hạn tối đa 2 ngày làm việc trực tiếp tại tỉnh Bình Phước (nay là tỉnh Đồng Nai).

“Do đây là gói thầu lớn, có tính chất phức tạp, nhiều nhà thầu tham dự và khối lượng hồ sơ, tài liệu được kiểm tra rất lớn nên việc kiểm tra chỉ tập trung xem xét nội dung trọng tâm trong hồ sơ mời thầu, kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu liên quan trực tiếp đến việc kiến nghị của nhà thầu và các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 4755/VPCP-CN”, Bộ Tài chính lý giải.

“Với tính chất đặc thù nêu trên cùng với việc Tổ công tác cần có thêm thời gian tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về các vấn đề có liên quan, đặc biệt là vấn đề đăng kiểm, kiểm định thiết bị thi công nên thời hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa đảm bảo đúng yêu cầu”, Báo cáo của Bộ Tài chính khẳng định.

Kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Ngay sau khi có Văn bản số 6093/VPCP-CN ngày 1/7/2025 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổ công tác tiếp tục rà soát, làm rõ, đánh giá, kết luận cụ thể các nội dung: Về ứng dụng BIM - Mô hình thông tin công trình; về máy, thiết bị xây dựng phục vụ thi công gói thầu; về vật tư, thiết bị chính đưa vào thi công; năng lực, kinh nghiệm của Tổ chuyên gia; về kết quả đánh giá E-HSDT, thẩm định, trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Do đó, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 10038/BTC-QLĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, trong đó đánh giá và kết luận cụ thể hơn về kết quả kiểm tra việc lựa chọn nhà thầu gói thầu thi công Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Phước.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại mục 2 văn bản 10038/BTC-QLĐT và văn bản số 8747/BTC-QLĐT của Bộ Tài chính để rà soát, kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, khắc phục các tồn tại, sai sót đã được chỉ ra; lựa chọn đơn vị tư vấn khác có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá lại (nếu cần thiết).

“Sau khi đánh giá lại E-HSDT mà làm thay đổi về nhà thầu được đề nghị trúng thầu hoặc tất cả các nhà thầu tham dự thầu được đánh giá không đáp ứng, người có thẩm quyền thực hiện biện pháp không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 18 của Luật Đấu thầu; xem xét, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có)”, Bộ Tài chính cho biết.

Trên cơ sở đó, chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo (hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại hoặc phê duyệt lại kết quả lựa chọn nhà thầu) bảo đảm phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu. “Trường hợp sau khi đánh giá lại mà không làm thay đổi kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư cần nhanh chóng thực hiện hoàn thiện, ký kết hợp đồng với nhà thầu trúng thầu”, Bộ Tài chính nêu ý kiến.

Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, trong mọi trường hợp, nhà thầu trúng thầu được lựa chọn phải đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, giải pháp kỹ thuật, tài chính, chất lượng, tiến độ thực hiện gói thầu; không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai chịu trách nhiệm toàn diện về công tác lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu này theo đúng nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Văn bản số 4755/VPCP-CN.

“Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh Đồng Nai trao đổi với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan để xác định sự cần thiết, tính pháp lý, hợp pháp của tài liệu kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy chứng nhận kiểm định theo quy định đối với máy, thiết bị thi công chủ yếu tại gói thầu”, Bộ Tài chính cho hay.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng kiến nghị giải quyết kiến nghị của nhà thầu Sơn Hải tuân thủ quy định của pháp luật, khách quan, không để xảy ra tình trạng kiến nghị kéo dài.

Lưu Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ra-soat-ton-tai-trong-to-chuc-lua-chon-nha-thau-du-an-cao-toc-tp-ho-chi-minh-thu-dau-mot-chon-thanh.html?source=cat-57