Khẩn trương thi công công trình đê điều phòng, chống thiên tai
Các công trình đê điều phục vụ phòng, chống thiên tai đang được chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tập trung nguồn lực, khẩn trương thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra.

Tuyến đê sông Mã (đoạn qua địa bàn phường Sầm Sơn) thuộc gói thầu số 6, Dự án thành phần số 9 tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 đã cơ bản hoàn thành.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường), trên địa bàn tỉnh hiện có 1.008km đê sông, trong đó đê từ cấp I đến cấp III dài 315km. Qua rà soát, đánh giá, hiện tại trong số 315km đê từ cấp I đến cấp III đã có 222,7km được thảm bê tông; 77,2km trải nhựa; 13,82km được rải cấp phối; chỉ còn 1,9km đê đất. Tuy nhiên, vẫn còn 100,5km/315km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 46,9km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu từ 6m trở lên.
Cũng theo rà soát, trong số 693km đê dưới cấp III, hiện có khoảng 547,058km đê bảo đảm chống lũ theo cao trình thiết kế. Còn lại 145,942km đê chưa đảm bảo chống lũ theo cao trình thiết kế, trong đó có 57,31km mặt đê nhỏ, chưa đủ chiều rộng tối thiểu (dưới 3,5m)...
Bên cạnh việc xây dựng phương án, xác định vị trí xung yếu trong năm 2025, tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng nhiều vị trí, tuyến đê, đảm bảo công tác phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo rà soát của Chi cục Thủy lợi, tính đến ngày 2/7, trên địa bàn tỉnh còn 41 công trình đê điều đang thi công, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Trong đó có 15 công trình đạt khối lượng thi công từ 80% trở lên, 19 công trình đạt khối lượng thi công từ 30% - 80%, chỉ còn 7 công trình thi công đạt khối lượng dưới 30%.
Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa được giao nhiệm vụ triển khai dự án thành phần số 9 tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 và Dự án Trạm bơm Hoằng Khánh. Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng vật liệu xây dựng tăng giá và khan hiếm, nhưng chủ đầu tư đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà thầu tháo gỡ vướng mắc khó khăn, huy động cao nhất phương tiện và nhân lực tập trung thi công dự án.
Trong đó, Dự án thành phần số 9 tu bổ xung yếu hệ thống đê điều tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 gồm 3 gói thầu, trên chiều dài 23,5km với tổng mức đầu tư trên 244 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương được triển khai xây dựng từ cuối tháng 12/2024. Tính đến ngày 2/7/2025, gói thầu số 6 thi công 3km đê hữu sông Mã trên địa bàn các phường Quảng Phú, Sầm Sơn đã hoàn thành. Gói thầu số 8 thi công 9,5km đê tả, hữu sông Lạch Trường đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công trình. Riêng gói thầu số 7 thi công tuyến đê tả, hữu sông Lèn có chiều dài khoảng 11km, nhà thầu đã hoàn thành thi công mặt cắt đê đảm bảo cao trình chống lũ với 10,2km; hoàn thành xây dựng 7km tường chắn sóng, đổ bê tông mặt đê 6km.
Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng Điều hành dự án 2, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, song các nhà thầu đã huy động cao nhất nguồn lực để triển khai thi công các dự án. Đến nay, tiến độ của cả 3 gói thầu đảm bảo theo kế hoạch, chỉ còn khoảng 800m đê thuộc gói thầu số 7 chưa triển khai được do chính quyền địa phương chưa bàn giao mặt bằng sạch để thi công.

Công trình Trạm bơm Hoằng Khánh (xã Hoằng Giang) đang được khẩn trương thi công.
Trong khi đó, tại Dự án Trạm bơm Hoằng Khánh trên đê sông Mã thuộc địa phận xã Hoằng Giang, đơn vị thi công đang gấp rút triển khai các hạng mục công trình theo kế hoạch. Được triển khai từ đầu năm, đến nay, công trình đã hoàn thành bê tông thân cống, cửa vào; đắp đất hoàn thiện thân cống đến cao trình chống lũ và lắp đặt khe phai, cửa van. Nhà trạm bơm, công tác chế tạo máy bơm, thiết bị, hệ thống điện... cũng đang được khẩn trương hoàn thành.
Xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nên dù bối cảnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, khối lượng công việc là rất lớn, nhưng trước thời điểm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án nói chung và công trình đê điều nói riêng. Từ ngày 1/7 đến nay, sau khi được kiện toàn tổ chức, bộ máy, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các khu vực đã nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, không để gián đoạn, ngưng trệ việc thi công công trình.
Tại Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Thạch Thành, Giám đốc Nguyễn Đức Luận cho biết, đến nay, cả 3 công trình đê điều thi công từ năm 2024 trên địa bàn huyện Thạch Thành (cũ), gồm: Dự án xử lý sự cố sạt lở bờ hữu sông Bưởi tại xã Thạch Định; Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ hữu sông Bưởi tại thôn Định Hưng, xã Thạch Định và Dự án kè chống sạt lở bờ tả sông Bưởi, xã Thành Hưng (nay là xã Kim Tân) đều đã hoàn thành. Những dự án này đều do nhu cầu cấp bách trong phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho khoảng 3,2km bờ đê sông Bưởi.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, việc đảm bảo tiến độ thi công các công trình đê điều theo kế hoạch đã có sự nỗ lực rất lớn từ cả chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Tuy nhiên, để đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình, đáp ứng nhu cầu phòng, chống thiên tai, cũng như giải ngân vốn đầu tư công, cả nhà thầu và chủ đầu tư đều mong muốn tỉnh sớm tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng...