Rác khẩu trang y tế: Tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, người dân được khuyến cáo thực hiện nghiêm quy định 5K. Trong đó, những chiếc khẩu trang y tế dùng 1 lần là vật bất ly thân của nhiều người bởi tính tiện ích, giá thành rẻ... Tuy nhiên, khi rác thải là khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán và lây lan dịch bệnh, trở thành gánh nặng với môi trường.
Bằng mắt thường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy những chiếc khẩu trang y tế với đủ loại màu đã được sử dụng, vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định tại các góc phố, vỉa hè, ven các tuyến đường lớn cũng như trục đường nhỏ trên địa bàn thành phố Ninh Bình. Cùng với đó là những chiếc khẩu trang để lẫn với rác thải sinh hoạt khiến nhiều khu vực, tuyến phố trở nên nhếch nhác, mất vệ sinh và nguy cơ lây lan bệnh dịch khá cao.
Chị Hoàng Thị Hoa, công nhân vệ sinh quét dọn đường phố, Đội môi trường số 2, Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ cao, nguồn lây lan dịch bệnh có thể từ bất cứ đâu như hiện nay, hình ảnh những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng được vất bỏ bên vỉa hè, vệ đường, khiến chúng tôi rất ái ngại, bất an.
Mỗi lần dọn vệ sinh và quét rác trên các tuyến đường, chúng tôi phải cẩn trọng hơn nhiều lần so với những thời điểm trước. Chúng tôi không chỉ đeo bao tay bảo hộ kỹ càng, mà còn bịt 2 lần khẩu trang, cầm chổi có cán dài để quét từ xa, thu gom qua hót rác, chứ không dám tiếp xúc gần và cầm trực tiếp vào khẩu trang đã qua sử dụng. Hi vọng, mỗi người nên có ý thức bỏ rác vào những nơi đã được quy định, không chỉ đảm bảo mỹ quan đường phố, mà còn thiết thực phòng tránh được dịch bệnh lây lan nếu không may có ca bệnh trong cộng đồng..."- chị Hoa chia sẻ.
Ông Lê Anh Xuân, phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình) cho rằng, ý thức từ mỗi người là quan trọng nhất và quyết định đến việc xuất hiện rác thải tại nơi công cộng. Khi đi bộ tập thể dục ở một số tuyến đường bên bờ đông sông Vân, thi thoảng nhìn thấy khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt tại nơi đó, tôi thấy vừa lo lắng vừa tiếc cho không gian xanh, sạch, đẹp, mát mẻ, thoáng đãng tại đây đã bị làm xấu đi. Trong khi, tại đây cũng có các thùng rác được lắp đặt, dán thông báo, để người dân bỏ rác vào thùng, giữ vệ sinh chung. Không hiểu một số người ý thức họ như thế nào mà có thể vất rác bừa bãi như vậy...
Chị Đặng Thị Ngân, cán bộ Đội môi trường số 2, Công ty cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: "Không chỉ là rác khẩu trang, nhiều khi những thức ăn thừa, đồ uống còn dở được vất bỏ tại nhiều gốc cây, ven đường, để lên men, bốc mùi rất mất vệ sinh. Mỗi công nhân làm nhiệm vụ này phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm cao. Trong khi, đồ bảo hộ được trang bị cũng chỉ có tính tương đối, không thể phòng tránh tuyệt đối được dịch bệnh. Nên chúng tôi mong muốn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, không xả rác, vứt rác bừa bãi. Đồng thời, mong muốn Nhà nước hỗ trợ, ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho những người làm nhiệm vụ này, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh..." .
Việc dùng khẩu trang vải hay khẩu trang y tế trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh COVID-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc người dân vứt bừa bãi tại nơi làm việc, gia đình hay nơi công cộng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay, những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi, nếu có vi rút, mầm bệnh, rất dễ phát tán ra môi trường và làm mất mỹ quan đường phố.
Bác sĩ Đinh Thị Vũ Hương, Phó trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Theo nhận định của các chuyên gia y tế, các loại khẩu trang dùng 1 lần không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như vi rút, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi, nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang và nguy cơ cao phát tán mầm bệnh trong môi trường.
Hơn nữa, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền, nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn trong thiên nhiên, bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân hủy. Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Việc thu gom rồi xử lý bằng hình thức đốt là một trong những giải pháp khả thi. Còn nếu cứ vứt ra môi trường, thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy...
Cũng theo bác sĩ Đinh Thị Vũ Hương, để phòng tránh dịch bệnh COVID-19, cần thực hiện tốt quy định 5K. Trong đó, đối với khẩu trang không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế, mà có thể sử dụng khẩu trang vải để phòng bệnh. Từ đó vừa có thể bảo vệ sức khỏe bản thân, vừa làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên và phần nào hạn chế được những chi phí cho đầu tư mua khẩu trang y tế. Đặc biệt, không vứt khẩu trang y tế đã qua sử dụng một cách bừa bãi tại nơi công cộng, là nguy cơ cao lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Huy Hoàng