Rắc rối đến với 'đại gia' công nghệ Mỹ, Meta có 72 tiếng để giải trình

Ngày 10/1, Tổng chưởng lý Brazil Jorge Messias thông báo chính phủ Brazil sẽ cho tập đoàn công nghệ Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin.

Chính phủ Brazil sẽ cho tập đoàn công nghệ Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin. (Nguồn: Marketplace)

Chính phủ Brazil sẽ cho tập đoàn công nghệ Meta 72 tiếng, tới ngày 13/1 tới, để giải thích về những thay đổi trong chính sách kiểm tra thông tin. (Nguồn: Marketplace)

Phát biểu với báo giới tại Brasilia, ông Messias cho biết hiện chính phủ Brazil rất quan ngại trước quyết định nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung của Meta, đồng thời yêu cầu tập đoàn này cung cấp thông tin “về các biện pháp đang được thực hiện để hạn chế bạo lực giới, bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, phòng chống phân biệt chủng tộc, kỳ thị người đồng tính, phòng chống tự tử, tử vong, ngôn từ kích động thù địch và các vấn đề về quyền cơ bản khác”.

Tổng trưởng lý Messias cũng yêu cầu Meta làm rõ liệu có công bố minh bạch các báo cáo về việc kiểm tra thông tin sai lệch được thực hiện thông qua tính năng "ghi chú cộng đồng" hay không, một phương pháp gần đây được mạng xã hội X áp dụng.

Cùng ngày, trong cuộc điện đàm kéo dài 30 phút với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề này, Tổng thống Brazil Lula da Silva hoan nghênh chính phủ Pháp đã phản đối việc Meta tuyên bố nới lỏng kiểm tra thông tin đăng tải trên Facebook, Instagram và WhatsApp.

Trước đó, ngày 9/1, Tổng thống Lula da Silva tuyên bố việc nới lỏng kiểm duyệt thông tin của Meta "rất nghiêm trọng" và đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 10/1 để xem xét những tác động của chính sách này đối với Brazil. Ông cho rằng, quyết định của Meta sẽ dẫn đến thông tin sai lệch và nguy cơ phát tán ngôn từ mang tính kích động thù hận.

Phát biểu với báo giới, Tổng thống Lula nhấn mạnh việc coi truyền thông số không phải chịu trách nhiệm như báo viết là điều thực sự “rất nghiêm trọng”.

Nhà lãnh đạo này cho biết đã yêu cầu Cơ quan phụ trách truyền thông của Phủ Tổng thống triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 10/1 để xem xét quyết định mới liên quan tới kiểm duyệt nội dung thông tin của Meta và những tác động của chính sách này đối với Brazil.

Tổng thống Lula nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia cần bảo vệ chủ quyền của mình và không thể để một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới ảnh hưởng đến quyền tự quyết của quốc gia.

Ngày 7/1, Meta - công ty mẹ của Facebook, Instagram và WhatsApp - thông báo đang điều chỉnh chính sách kiểm duyệt nội dung, trong đó chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba tại Mỹ và chuyển sang hình thức "ghi chú cộng đồng" cho phép người dùng góp ý xác minh thông tin. Tuy nhiên, sau đó Meta cho biết sẽ áp dụng chính sách này tại tất cả các quốc gia mà công ty này đang hoạt động.

Ngay sau khi thông báo này của Meta được đưa ra, ngày 8/1, thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil, ông Alexandre de Moraes, tuyên bố mạng xã hội này sẽ chỉ tiếp tục hoạt động ở Brazil nếu tuân thủ luật pháp của nước này. Ông Moraes từng cấm mạng xã hội X hoạt động tại Brazil trong một thời gian vào năm ngoái khi mạng này bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch về tình hình quốc gia Nam Mỹ./.

Meta vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những chỉ trích và yêu cầu của Brazil.

Ngày 8/1, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng đã bày tỏ quan ngại về chính sách kiểm duyệt nội dung mới của Meta đồng thời tái khẳng định trách nhiệm xã hội của mạng xã hội sau khi công ty mẹ của Facebook thông báo chấm dứt chương trình kiểm chứng thông tin của bên thứ ba.

Trong một cuộc họp báo ở bang Queensland, trả lời câu hỏi về chính sách mới của Meta, Thủ tướng Albanese nhấn mạnh mạng xã hội có trách nhiệm xã hội và họ nên thực hiện trách nhiệm đó. Nhà lãnh đạo Australia cũng khẳng định chính quyền sẽ nỗ lực bảo vệ lợi ích quốc gia.

Australia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật cấm trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội có hiệu lực từ cuối năm nay do lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của chúng với sức khỏe tâm thần của trẻ em. Theo đó, các công ty truyền thông xã hội có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu đôla Australia (khoảng 31,17 triệu USD) nếu không thực hiện "các bước hợp lý" để ngăn trẻ em dưới 16 tuổi tiếp cận nền tảng của mình.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/rac-roi-den-voi-dai-gia-cong-nghe-my-meta-co-72-tieng-de-giai-trinh-300474.html