Rắc rối pháp lý với ảnh Ghibli tạo bằng AI
Bất chấp những lo ngại của Studio Ghibli xung quanh vấn đề pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ, các chuyên gia cho rằng hãng phim Nhật Bản khó thắng kiện bản quyền.

Studio Ghibli, hãng phim hoạt hình đình đám của Nhật Bản nổi tiếng với các tác phẩm như Spirited Away (2001), My Neighbor Totoro (1988), và Kiki’s Delivery Service (1989), đang trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất vài ngày qua. Chỉ một ngày sau khi OpenAI ra mắt tính năng “tạo hình ảnh” cho ChatGPT, mạng xã hội đã tràn ngập những bức ảnh theo phong cách Studio Ghibli.
Tính năng mới này tạo ra lo ngại về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng vấn đề là chính Studio Ghibli cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để giành chiến thắng tại tòa.
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo các luật sư chuyên về vấn đề bản quyền trí tuệ, nếu Studio Ghibli quyết định kiện OpenAI để ngăn chặn tính năng này, hãng phim sẽ gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh.

Mạng xã hội tràn ngập ảnh được tạo ra bởi AI theo phong cách Studio Ghibli. Ảnh: X.com.
Cụ thể, các chuyên gia này cho rằng quy định về việc sử dụng phim của Studio Ghibli để huấn luyện mô hình AI như OpenAI vẫn chưa được giải quyết về mặt pháp lý. Hơn nữa, luật bản quyền thường cho phép các nghệ sĩ mô phỏng một phong cách thị giác.
Khả năng tạo ảnh theo phong cách Ghibli, được CEO OpenAI Sam Altman quảng bá trên X, là một bước tiến so với các tính năng tạo ảnh trước đây của ChatGPT. Các phiên bản trước, như phiên bản sử dụng công cụ DALL-E 3, gây khó khăn hơn trong việc tạo ảnh theo phong cách của các nghệ sĩ còn sống.
Matthew Sag, giáo sư luật tại Đại học Emory, chuyên nghiên cứu về luật bản quyền và trí tuệ nhân tạo, nhận định rằng biện pháp bảo vệ trước đây của OpenAI mang tính chất "làm đẹp" hình ảnh công cộng hơn là bảo vệ bản quyền thực sự.
"OpenAI đã đưa ra một quyết định khá hợp lý là ngừng tạo ra hình ảnh theo phong cách của những người còn sống. Không phải vì đó là vi phạm bản quyền, mà vì mọi người không thích điều đó. Các cá nhân rất dễ bị khó chịu bởi điều đó", Sag nói.
Theo Business Insider, các lập luận pháp lý chống lại những công ty AI tạo sinh như OpenAI có thể được tóm gọn thành hai điểm chính.
Thứ nhất là trường hợp "đầu vào". Cần phải chứng minh liệu cha đẻ ChatGPT có vi phạm quyền của Studio Ghibli nếu họ huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn trên phim và chương trình truyền hình của hãng phim này hay không.
Sau đó là trường hợp "đầu ra". Studio Ghibli phải chứng minh OpenAI đang tạo ra các tác phẩm giống với sản phẩm có bản quyền mà hãng đăng ký.
OpenAI có thể dễ dàng "lách luật"
Một phát ngôn viên của OpenAI từng nói với Business Insider rằng chính sách của công ty cho phép tạo ra hình ảnh theo "phong cách chung của studio" nhưng không cho phép tạo ra "phong cách của một nghệ sĩ còn sống".

Các hình ảnh được cho là thiếu tôn trọng được tạo ra bởi AI theo phong cách Studio Ghibli. Ảnh: X/@netcapgirl.
Tuy nhiên, Kristelia García, giáo sư luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Luật Georgetown, cho rằng sự khác biệt giữa việc sao chép tác phẩm của Studio Ghibli hay người đồng sáng lập Hayao Miyazaki là không liên quan.
Theo bà García, hãng phim, và có thể là cả những nghệ sĩ làm việc cho họ, đều có thể đưa ra yêu cầu bản quyền.
Trong khi đó, giáo sư Christa Laser, chuyên gia về luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Cleveland State, cho rằng Studio Ghibli sẽ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc đưa ra lập luận về "đầu ra" tại tòa án.
Bà giải thích trong khi các tác phẩm riêng lẻ – như những bộ phim, cảnh quay hoặc nhân vật cụ thể của Studio Ghibli – đã được bảo vệ bởi luật bản quyền, thì phong cách nghệ thuật lại không.
Evan Brown, luật sư chuyên về sở hữu trí tuệ tại công ty luật Neal & McDevitt, cũng đưa ra nhận định tương tự khi phong cách nghệ thuật không được bảo vệ rõ ràng bởi luật bản quyền. Điều này đồng nghĩa với việc OpenAI dường như không vi phạm pháp luật chỉ vì tạo ra hình ảnh trông giống phim của Studio Ghibli.
Thực tế, các nguyên tắc về hình ảnh trong ChatGPT cũng khá linh hoạt trong việc tạo nội dung này. Người phát ngôn của OpenAI, Taya Christianson, cho biết công ty không chặn mô hình tái tạo hình ảnh của các nhân vật công chúng trưởng thành hoặc mô tả bạo lực trong bối cảnh hư cấu, miễn là phục vụ mục đích sáng tạo nghệ thuật.

Phong cách nghệ thuật không được bảo vệ rõ ràng bởi luật bản quyền. Ảnh: PetaPixel.
Thậm chí, bà Christianson nhấn mạnh rằng người dùng chỉ nên tải lên các tài liệu mà họ sở hữu hoặc có quyền sử dụng trên nền tảng, và họ không có quyền tự ý chỉnh sửa ảnh.
Business Insider nhận định để lập luận xâm phạm bản quyền thành công, Studio Ghibli sẽ cần chứng minh các mô hình của OpenAI thực sự được huấn luyện trên các tác phẩm của hãng phim. Vấn đề lớn nhất là điều này có thể đòi hỏi một quá trình điều tra ở giai đoạn đầu của vụ kiện.
Tuy nhiên, giáo sư García cho biết Studio Ghibli thậm chí sẽ gặp khó khăn hơn nếu cuộc điều tra đưa ra kết luận tính năng của ChatGPT được huấn luyện trên fanart (hình vẽ do người hâm mộ tạo ra theo phong cách nhất định), vốn đã phổ biến trên Internet trong nhiều thập kỷ qua.
Nguồn Znews: https://znews.vn/rac-roi-phap-ly-voi-anh-ghibli-tao-bang-ai-post1541893.html