Rắc rối trách nhiệm dân sự vụ án lừa đảo tại Công ty Upexim

Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị cho rằng hợp đồng hợp tác là trái Luật Đất đai năm 2003. Vì lẽ, thời điểm hai bên ký hợp đồng trên, nhà đất 4-6 Hồ Tùng Mậu không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty Upexim mà thuộc quyền của Công ty kinh doanh nhà TP.HCM...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 19/8, cổ đông Công ty cổ phần Sản xuất – xuất nhập khẩu Lâm sản và hàng tiểu thủ công nghiệp (viết tắt là Công ty Upexim) có đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án xảy ra tại công ty này.

Vụ án này đã kéo dài 10 năm nay, qua 4 lần xét xử của tòa án các cấp. Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có quyết định kháng nghị.

CHUYỂN NHƯỢNG NHÀ ĐẤT, CHIẾM ĐOẠT TIỀN

Hồ sơ vụ án thể hiện, Upexim thành lập năm 2010 do bị cáo Trương Vui là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Năm 2009, Ủy ban nhân dân TP.HCM có chủ trương bán chỉ định nhà, đất số 4-6 Hồ Tùng Mậu cho Upexim.

Do công ty khó khăn tài chính và bị cáo Vui có quan hệ vay nợ cá nhân bà Võ Thị Thanh Loan lãi suất cao, bị cáo Vui đã bàn bạc với bà Võ Thị Thanh Loan – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Tradeco hợp thức việc vay nợ cá nhân bằng việc ký hợp đồng hợp tác giữa 2 công ty tham gia góp vốn xây dựng dự án Upex Tower tại số 4-6 Hồ Tùng Mậu.

Bị cáo Vui tự ý ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Tradeco mà không thông qua HĐQT. Theo thỏa thuận, mỗi bên góp 50%, tương đương 60 tỷ đồng để cùng hưởng lợi nhuận.

Quá trình thực hiện hợp đồng, Tradeco không chuyển tiền cho Upexim mà bà Võ Thị Thanh Loan chỉ chuyển tiền cho cá nhân Vui vay sử dụng mục đích cá nhân, sau đó làm các hóa đơn, chứng từ để hợp thức. Năm 2011, Upexim được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bị cáo Vui đã thế chấp nhà dất trên vào ngân hàng để vay tiền cho các công ty.

Ngoài ra, bị cáo Vui còn che giấu việc nhà đất trên đang thế chấp ngân hàng để lừa bán đất cho Công ty cổ phần đầu tư Kim Cương Xanh để chiếm đoạt 120 tỷ đồng.

Ngoài ra, cựu Chủ tịch HĐQT Upexim bị cáo buộc đồng phạm với Tống Thị Bích Loan, Châu Thị Khoa (Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bihimex Biên Hòa nay đã sáp nhập vào Tổng công ty Dofico) làm trái quy định của nhà nước bằng cách cho vay tiền thông qua các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Bên cạnh đó, bị cáo Vui còn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Công ty Tradeco và ngân hàng.

Năm 2019, vụ án được đưa ra xét xử lần 1 sau đó bị hủy án để điều tra lại. Năm 2022, Tòa án nhân dân TP.HCM xử phạt bị cáo Vui tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 14 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Loan lĩnh 10 năm tù, Khoa 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc bị cáo Vui phải bồi thường cho Công ty Kim Cương Xanh 120 tỷ đồng. Buộc Công ty Upexim phải bồi hoàn lại cho bị cáo Vui 72,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tòa buộc bị cáo Vui và Công ty Upexim liên đới bồi thường cho Tổng công ty Dofico hơn 144 tỷ đồng.

Bản án cũng tuyên tiếp tục duy trì lệnh kê biên nhà đất để bảo đảm xác định 50% giá trị quyền sử dụng đất thuộc về Công ty Tradeco và 50% giá trị quyền sử dụng đất còn lại thuộc Công ty Upexim để bảo đảm giải quyết hợp đồng tín dụng với ngân hàng.

Sau đó, các bị cáo và Công ty Upexim kháng cáo. Cuối năm 2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm trên. Đến năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị.

KHÁNG NGHỊ BẢN ÁN, ĐỀ NGHỊ XÉT XỬ GIÁM ĐỐC THẨM

Theo kháng nghị, tòa sơ thẩm và tòa phúc thẩm cho rằng hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Upexim và Tradeco là hợp đồng hợp pháp. Công ty Tradeco chuyển 60 tỷ đồng để mua lại nhà đất trên nên được quyền sở hữu 50% quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát cho rằng hợp đồng trên là trái Luật Đất đai năm 2003. Vì lẽ, thời điểm hai bên ký hợp đồng trên, nhà đất 4-6 Hồ Tùng Mậu không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của Công ty Upexim mà thuộc quyền của Công ty kinh doanh nhà TP.HCM. Khi hai bên ký hợp đồng, Công ty kinh doanh nhà TPHCM không biết, không cho phép việc ký hợp đồng này.

Các thỏa thuận trong hợp đồng đã xâm phạm tới quyền và lợi ích của tổ chức sử dụng đất hợp pháp. Ngoài ra, bị cáo Vui không được quyền đại diện công ty ký hợp đồng trên.

Theo kháng nghị, việc ký hợp đồng hợp tác là giả tạo nhằm hợp thức quan hệ vay tiền của cá nhân bị cáo Vui và bà Võ Thị Thanh Loan. Ngoài ra, chứng cứ thể hiện không có việc Công ty Tradeco chuyển 60 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Upexim.

Từ lý do trên, Viện kiểm sát xác định hợp đồng hợp tác là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Do đó, nội dung bản án “xác định 50% giá trị quyền sử dụng đất thuộc về Công ty Tradeco” cần hủy bỏ.

Theo kháng nghị, trong số tiền 72,2 tỷ đồng bị cáo chiếm đoạt, sau khi nhập quỹ công ty số tiền trên bị cáo tự ý sử dụng hơn 57 tỷ đồng vào mục đích cá nhân. Vì vậy, bị cáo Vui phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền này.

Ngoài ra cần xác định số tiền Công ty Bihimex bị thiệt hại là 107 tỷ đồng, trong đó một phần Công ty Upexim sử dụng nên cần buộc các bị cáo liên đới cùng Công ty Upexim bồi thường số tiền này theo mức độ lỗi của các bị cáo.

Kháng nghị cũng cho rằng, quá trình xét xử vụ án xảy ra một số vi phạm như toàn bộ diễn biến phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát không tham gia xét hỏi, không phát biểu ý kiến, không tranh tụng… Các bị cáo không thuộc trường trường hợp phải chỉ định luật sư nhưng chủ tọa vẫn chỉ định 4 luật sư tham gia tố tụng.

Ngoài ra, hợp đồng không có điều khoản quy định Công ty Tradeco được sở hữu chung nhà đất trên. Tòa án không áp dụng quy định nào của pháp luật để xác định tài sản trên là sở hữu chung hỗn hợp của hai công ty và tự chia mỗi bên sở hữu 50% là vi phạm Điều 218 Bộ luật Dân sự 2005 về xác lập quyền sở hữu chung.

Từ đó, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án phúc thẩm và một phần bản án sơ thẩm.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/rac-roi-trach-nhiem-dan-su-vu-an-lua-dao-tai-cong-ty-upexim.htm