Rác thải nhựa đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần vào năm 2024
Rác thải nhựa trôi nổi ở các đại dương trên thế giới đã tăng lên với số lượng chưa từng có kể từ năm 2005 và có thể tăng gần gấp 3 lần vào năm 2040 nếu con người không hành động quyết liệt để kiểm soát chúng.
Top 10 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới
Hàng triệu tấn nhựa được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm. Trong khi một nửa số rác thải nhựa này được tái chế, đốt hoặc vứt bỏ vào các bãi chôn lấp, thì một phần đáng kể còn lại sẽ trôi ra các đại dương.
Nhiều người nghĩ rằng các quốc gia sản xuất hoặc tiêu thụ nhiều nhựa nhất là những quốc gia gây ô nhiễm đại dương nhiều nhất. Tuy nhiên điều này không đúng.
Theo bảng xếp hạng của Visual Capitalist, các quốc gia có diện tích địa lý nhỏ hơn, đường bờ biển dài hơn, lượng mưa lớn và hệ thống quản lý chất thải kém lại thải nhựa ra biển hơn.
Danh sách 10 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới theo thống kê của Visual Capitalist dựa trên dữ liệu thu thập toàn cầu:
Theo Visual Capitalist, Trung Quốc thải ra lượng rác thải nhựa gấp 10 lần Malaysia. Tuy nhiên, ước tính khoảng 9% tổng lượng rác thải nhựa của Malaysia được đổ ra đại dương, trong khi đó Trung Quốc chỉ là 0,6%.
Philippines - một quần đảo gồm hơn 7.000 hòn đảo, với đường bờ biển dài 36.289 km và 4.820 con sông thải ra nhựa - ước tính thải ra gần 35% lượng nhựa của đại dương.
Ngoài Philippines, hơn 75% lượng nhựa tích tụ trong đại dương đến từ rác thải được quản lý kém hiệu quả ở các nước châu Á bao gồm Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Bangladesh và Thái Lan.
Quốc gia duy nhất ngoài châu Á lọt vào danh sách top 10 này là Brazil - quốc gia có 1.240 con sông, bao gồm cả Amazon.
Visual Capitalist nhận định, bước đầu tiên và rõ ràng nhất để giảm tích tụ nhựa là giảm sử dụng nhựa. Sản xuất ít hơn tương đương với chất thải ít hơn.
Bước thứ hai là quản lý chất thải nhựa được tạo ra và đây chính là thách thức. Nhiều quốc gia có thu nhập cao tạo ra lượng rác thải nhựa lớn, nhưng lại xử lý rác thải nhựa tốt hơn hoặc xuất khẩu sang các nước khác. Trong khi đó, những quốc gia có thu nhập trung bình và thu nhập thấp vừa có nhu cầu cao về nhựa vừa nhập khẩu số lượng lớn nhựa vẫn chưa phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý loại rác thải độc hại và khó phân hủy này.
Rác thải nhựa đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần vào năm 2024
Theo Reuters, nghiên cứu của 5 Gyres Institute - tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ vận động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa - ước tính có khoảng 171 nghìn tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương vào năm 2019. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương dự báo tăng gấp 2,6 lần vào năm 2040 nếu không có những chính sách toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý.
Nghiên cứu này đã phân tích, tổng hợp dữ liệu ô nhiễm nhựa ở cấp độ bề mặt từ 11.777 trạm đại dương tại 6 vùng biển chính trong giai đoạn từ năm 1979 đến 2019.
Nhà đồng sáng lập của 5 Gyres Marcus Eriksen cho biết: "Chúng tôi đã nhận thấy một xu hướng đáng báo động về sự gia tăng theo cấp số nhân của vi nhựa trong đại dương toàn cầu kể từ thiên niên kỷ này. Chúng ta cần một hiệp ước toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý mạnh mẽ về ô nhiễm nhựa để ngăn chặn tận gốc vấn đề."
Vi nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với các đại dương, không chỉ làm ô nhiễm nước mà còn làm hỏng các cơ quan nội tạng của động vật biển nếu chúng nuốt nhựa vì tưởng nhầm là thức ăn.
Với kết quả nghiên cứu của 5 Gyres Institute, các chuyên gia môi trường cảnh báo mức độ ô nhiễm nhựa trong các đại dương đã và đang bị đánh giá thấp.
Tháng 11/2022, Liên Hợp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận giải quyết ô nhiễm nhựa ở Uruguay với mục đích soạn thảo một hiệp ước ràng buộc pháp lý vào cuối năm 2023.
Một trong những bước tiến gần đây là các nước thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế vào ngày 4/3/2023, sau nhiều năm đàm phán.
Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của trên 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do Liên Hợp Quốc chủ trì.
Đây là kết quả được mong đợi từ lâu mà các tổ chức môi trường cho rằng có thể đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển, cũng như đảm bảo phát triển bền vững.
Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres coi đây là một "chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và của những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương".
Nguồn: Reuters, Visual Capitalist