Rác thải nhựa làm đường giao thông: Một giải pháp hữu ích

Mới đây, DOW (Tập đoàn hóa chất của Mỹ) đã phối hợp với Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Đình Vũ (DEEP C), Hải Phòng, xây dựng thử nghiệm 200 mét đường giao thông có sử dụng vật liệu là rác thải nhựa. Đây là một giải pháp hữu ích, hoàn toàn khả thi và có thể nhân rộng tại Việt Nam, có ý nghĩa lớn bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 hoặc thứ 5 trên thế giới có lượng rác thải nhựa lớn thải ra làm ô nhiễm môi trường đất và nước. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đỗ Quang Hưng - Phó Tổng giám đốc thứ nhất DEEP C cho biết: Hải Phòng đang trên đà tăng trưởng phát triển kinh tế đột phá, tốc độ tăng GDP bình quân khoảng gần 20 năm lại đây luôn đạt trên 2 con số, cao gấp từ 1,5-2 lần so với tăng GDP chung cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2019, GDP Hải Phòng đã đạt mức tăng trưởng khoảng 16,42% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nhanh cũng kéo theo những vấn đề lớn cần phải giải quyết để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có vấn nạn rác thải nhựa. Cùng với TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội..., Hải Phòng là một trong những thành phố lớn của cả nước có lượng túi ni lông nhựa rẻo thải ra môi trường biển khá nhiều.

Thi công đường giao thông có sử dụng nhựa phế thải tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng

Thi công đường giao thông có sử dụng nhựa phế thải tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng

Thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc hài hòa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, DEEP C đã chuyển đổi từ mô hình khu công nghiệp truyền thống sang phát triển khu công nghiệp sinh thái. Trên cơ sở đó, DEEP C đã phối hợp với DOW thi công thí điểm 200 mét đường giao thông tại Khu Công nghiệp Đình Vũ sử dụng rác thải nhựa không tái chế được lấy từ bãi rác thải Tràng Cát, do Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng thu gom và cung cấp.

Rác thải nhựa sau thu gom sẽ được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn lẫn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 - 1800C. Ở khung nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn và hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền asphalt cũng như độ bền của con đường. Xét về yếu tố kỹ thuật, ông Đỗ Quang Hưng cho biết: Đối chứng với đường sử dụng asphalt truyền thống, các yếu tố về cơ lý tính, tải trọng, độ êm, ma sát, thoát nước… đoạn đường có sử dụng rác thải nhựa đều tốt hơn. Tới đây, DEEP C sẽ đề nghị thành phố Hải Phòng cấp phép để tiếp tục triển khai xây dựng thêm khoảng 1,2 km nữa, tiến tới áp dụng thi công toàn bộ các con đường giao thông trong phạm vi Khu Công nghiệp Đình Vũ.

Xét ở góc độ kinh tế, bà Mai Uyên - Phụ trách Đông Nam Á của DOW cho biết: Về lý thuyết, giải pháp sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông thay thế được khoảng 5-8% nhựa đường trong phối trộn asphalt trải thảm, tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, theo bà Uyên, tính hiệu quả của nó cũng sẽ còn phục thuộc vào việc vận hành của mỗi nhà thầu, đơn vị thi công, mỗi trạm trộn asphalt…. vì nó còn có các chi phí khác.

Ông Nguyễn Thế Hiến - Trưởng Phòng phát triển khu công nghiệp sinh thái DEEP C, cho rằng: Ý nghĩa của việc làm đường sử dụng rác thải nhựa đối với môi trường là rất to lớn. Bởi theo tính toán của DEEP C, nếu làm mỗi 1,4 km đường (chiều rộng khoảng 6 mét, độ dày asphalt thảm mặt 6 cm) như dự kiến, sẽ tận dụng khoảng 6,5 tấn nhựa phế thải, tương đương khoảng 2 triệu túi ni lông nhựa. Nếu 2 triệu túi ni lông nhựa rẻo này phát tán ra môi trường thì diện tích đất nó chiếm dụng là rất lớn, chưa kể phải thu gom, chôn lấp hay tiêu hủy… Nay nó được sử dụng thành một vật liệu có ích, làm sạch môi trường, tiết kiệm tài nguyên. Điều này còn có ý nghĩa rất lớn nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân cũng như doanh nghiệp với môi trường, cổ vũ các phong trào thu gom, phân loại, tái chế hoặc tái sử dụng rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cho rằng. “Dự án sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông là một ví dụ tiêu biểu cho sự đồng hành của doanh nghiệp với Chính phủ trong chiến lược phát triển bền vững nói chung, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng về chống rác thải nhựa nói riêng. Mô hình này nên được nhân rộng ở nhiều địa phương”.

Về phía DOW, bà Mai Uyên cho biết, DOW sẵn sàng kết hợp với các đối tác Việt Nam để nghiên cứu, trình giải pháp này đến các cơ quan chức năng của Việt Nam như Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ… nhằm xây dựng một qui chuẩn, tiêu chuẩn và hướng dẫn việc đưa rác thải nhựa vào làm đường giao thông phổ biến ở Việt Nam. “Từ 200 mét đường thí điểm đã hoàn thành, DOW hoàn toàn lạc quan về giải pháp này có thể phổ biến rộng rãi tại Việt Nam nếu các đơn vị, doanh nghiệp… khác cũng có nhận thức và quyết tâm hành động như DEEP C” - bà Mai Uyên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Thế Hiến, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thấy được lợi ích và trách nhiệm đối với môi trường, từ đó hưởng ứng. Các doanh nghiệp cần thể hiện rõ trách nhiệm đối với môi trường khi áp dụng giải pháp sử dụng rác thải nhựa làm đường giao thông, thay vì chỉ đặt nặng lợi ích về kinh tế lên trên hết.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/rac-thai-nhua-lam-duong-giao-thong-mot-giai-phap-huu-ich-126626.html