Rác thải vẫn đeo bám kênh mương Hà Nội

Các tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Hà Nội, đang trải qua mùa hè mưa nhiều bất thường. Tuy nhiên, nhiều tuyến kênh mương ở Hà Nội như Kẻ Khế, Thụy Khuê,… vẫn bị rác thải bủa vây, tiềm ẩn nguy cơ ngập úng do tắc nghẽn dòng chảy, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và môi trường đô thị.

Giữa Hà Nội, nối từ phố Vạn Phúc đến phố Giang Văn Minh là mương Kẻ Khế dài khoảng 1,7km, đen đặc, hôi thối và tràn ngập rác thải. Anh Vũ Đình Tiến, ở phường Ngọc Hà cho biết, đủ loại rác, bàn ghế cũ,… được vứt trên bờ mương, nhiều bọc rác rơi xuống gây tắc cống trong những ngày mưa lớn: "Một là người dân xung quanh đây, hai là những người ở bán kính tầm 2 - 3km, họ biết chỗ này, có đồ gì to hay nhiều là họ ra đây vứt. Hôm mà ngập sâu nhất như hôm qua, nó ngập đến gần kia, chỉ cách mép đường tầm gần 1m nữa thôi. Gỗ, rác các thứ chặn lại, trôi lềnh bềnh không thoát được."

Giữa Hà Nội, nối từ phố Vạn Phúc đến phố Giang Văn Minh là mương Kẻ Khế dài khoảng 1,7km, đen đặc, hôi thối và tràn ngập rác thải. Ảnh: Minh Hiếu

Giữa Hà Nội, nối từ phố Vạn Phúc đến phố Giang Văn Minh là mương Kẻ Khế dài khoảng 1,7km, đen đặc, hôi thối và tràn ngập rác thải. Ảnh: Minh Hiếu

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cống hóa mương Kẻ Khế được phê duyệt từ năm 2008 với kinh phí 205 tỷ đồng. Đến nay, công trường ngổn ngang và không có dấu hiệu thi công tiếp. Bà Nguyễn Thị Bích Liên rất bức xúc vì công trình dang dở vô hình trung biến thành nơi đổ rác:

"Trên này cao thì nó không ngập, ra chỗ đằng đình kia thì ngập. Ngập đến đây này."

"Áng chừng đến mắt cá chân ạ?"

"Ừ, nếu mà mưa to ý. Rác thải thì người ta toàn phải cào lên trên này cho nó khỏi ngập, khỏi tắc cống. Đổ rác nhiều quá nên người ta phải chặn lại đây này."

Dự án cống hóa mương Kẻ Khế được phê duyệt từ năm 2008 với kinh phí 205 tỷ đồng. Đến nay, công trường ngổn ngang và không có dấu hiệu thi công tiếp. Ảnh: Minh Hiếu

Dự án cống hóa mương Kẻ Khế được phê duyệt từ năm 2008 với kinh phí 205 tỷ đồng. Đến nay, công trường ngổn ngang và không có dấu hiệu thi công tiếp. Ảnh: Minh Hiếu

Cũng chung cảnh công trình cống ngầm chậm tiến độ, rác thải bủa vây kênh mương, người dân chịu đựng ô nhiễm là mương Thụy Khuê. Toàn tuyến đã gần hoàn thành, nhưng chỉ còn đoạn qua ngõ 123A Thụy Khuê, dài khoảng 100m, vẫn lộ thiên. Thời điểm năm 2022, đại diện UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ từng trả lời VOV Giao thông rằng dự án sẽ hoàn thành trong năm 2023.

Không chỉ gây tắc nghẽn dòng chảy, rác thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi, chuột bọ. Chị Nguyễn Thị Thanh, sống cạnh một mương thoát nước trên đường Trần Cung cho biết, rác thải đeo bám từ năm này qua năm khác, nhân viên thoát nước chỉ đến cào rác lên bờ chứ không dọn đi: "Bình thường các cô cũng đến xúc rác ở mương lên ý, nhưng chỉ xúc lên bờ thôi. Đêm thì có chuột, còn muỗi thì đương nhiên ẩm thấp thế này thì sẽ có."

Cũng chung cảnh công trình cống ngầm chậm tiến độ, rác thải bủa vây kênh mương, người dân chịu đựng ô nhiễm là mương Thụy Khuê. Ảnh: Minh Hiếu

Cũng chung cảnh công trình cống ngầm chậm tiến độ, rác thải bủa vây kênh mương, người dân chịu đựng ô nhiễm là mương Thụy Khuê. Ảnh: Minh Hiếu

Theo GS. TS. Trần Đức Hạ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, kênh mương trong đô thị có chức năng chính là thoát nước, đồng thời tạo cảnh quan và sinh thái. Tuy nhiên, nhiều năm qua, rác thải đã trở thành vấn đề nhức nhối, cản trở việc tiêu thoát nước, đặc biệt khi có mưa, ảnh hưởng mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề này đã được Thành phố nhìn nhận, nhưng giải pháp mới chỉ dừng lại ở mức “chạy theo” giải quyết: "Dọc hai bên kênh mương phải có đường vận hành, mỗi bên tối thiểu 2m. Tuy nhiên, không cưỡng chế được những nhà dân lấn chiếm. Vấn đề chỉnh trang đô thị cũng vậy. Không có thành phố nào mà việc chỉnh trang đô thị, xây dựng vỉa hè… lại diễn ra lâu dài và thường xuyên như Hà Nội. Mỗi lần như thế, khi mưa xuống, đất cát lại rơi vào cống thoát nước.

Thậm chí, công ty môi trường đô thị còn bố trí thùng rác ngay tại các cửa thoát nước. Ý thức của cộng đồng hiện nay thực sự vẫn còn kém. Năng lực nạo vét kênh mương của công ty thoát nước còn rất hạn chế. Bởi vì đường vận hành trong các kênh bị lấn chiếm, phương tiện cơ giới không vào được, công nhân buộc phải làm thủ công."

Không chỉ gây tắc nghẽn dòng chảy, rác thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi, chuột bọ. Hình ảnh ghi nhận tại một tuyến mương bên đường Trần Cung. Ảnh: Minh Hiếu

Không chỉ gây tắc nghẽn dòng chảy, rác thải còn là nơi phát sinh ruồi muỗi, chuột bọ. Hình ảnh ghi nhận tại một tuyến mương bên đường Trần Cung. Ảnh: Minh Hiếu

Để khắc phục tình trạng này, GS. TS. Trần Đức Hạ cho rằng, Thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cống hóa, tăng cường nạo vét, khơi thông kênh mương, ao hồ. Xa hơn, công tác thoát nước đô thị cần được quy hoạch đồng bộ theo toàn thành phố, tránh tình trạng manh mún, phân tán khiến việc xử lý úng ngập không hiệu quả.

Minh Hiếu/VOV- Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/rac-thai-van-deo-bam-kenh-muong-ha-noi-post1212855.vov